(TAP) - Trong những tuần gần đây, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã thực hiện chiến dịch kiểm tra nghiêm ngặt bằng máy phát hiện nói dối đối với khoảng 50 nhân viên, bao gồm cả quan chức cấp cao của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA). Động thái này nhằm truy tìm nguyên nhân dẫn đến rò rỉ thông tin bị DHS cho là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Theo nguồn tin từ CNN, trong số những trường hợp bị kiểm tra có Quyền Quản trị viên Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Federal Emergency Management Agency, viết tắt: FEMA) – ông Cameron Hamilton, người Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm. Ghi nhận ông Hamilton gần đây đã tham gia cuộc họp kín cùng các lãnh đạo cấp cao Bộ An ninh Nội địa (Department of Homeland Security, viết tắt: DHS) để thảo luận về tương lai của FEMA, bao gồm khả năng giải thể cơ quan này. Chỉ vài ngày sau cuộc họp, ông Hamilton được đưa đi kiểm tra bằng “máy phát hiện nói dối” (polygraph). Bên cạnh đó, CNN nói rằng, ít nhất 01 quan chức FEMA đã bị cho “nghỉ phép hành chính” (administrative leave) và hộ tống rời văn phòng sau khi trải qua bài kiểm tra. Điều này làm dấy lên lo ngại trong nội bộ cơ quan, đặc biệt khi những cuộc điều tra liên quan đến máy phát hiện nói dối thường được dành cho các trường hợp nghiêm trọng, như rò rỉ tài liệu mật.
Hàng loạt nhân viên tại Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang bị Bộ An ninh Nội địa kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối (Nguồn: Federal Emergency Management Agency)
Một số quan chức FEMA do CNN phỏng vấn khẳng định, cơ quan này không phải là nơi sản xuất thông tin mật cũng như số người thực sự tiếp cận loại thông tin này rất ít. Theo mô tả đăng tải trên trang chủ cơ quan (FEMA.gov), FEMA là cơ quan thuộc DHS có nhiệm vụ ứng phó với các thảm họa. Quỹ hỗ trợ của FEMA chỉ có thể được sử dụng cho các chi phí liên quan đến thiên tai. Hiện vẫn chưa rõ nghi vấn rò rỉ thông tin được đề cập là gì, nhưng người phát ngôn của DHS - bà Tricia McLaughlin nhấn mạnh trong một email gửi đến truyền thông, rằng DHS không phân biệt vị trí, nhiệm kỳ hay hình thức bổ nhiệm khi tiến hành điều tra, nhưng sẽ truy tố nghiêm khắc những người tiết lộ thông tin theo quy định. Nhiều nhân viên tại FEMA lo ngại, việc cắt giảm nhân sự sẽ khiến cơ quan không đủ năng lực ứng phó trong mùa bão sắp tới, nguy cơ ảnh hưởng đến nhu cầu viện trợ của người dân trên khắp đất nước.
Cũng theo bà McLaughlin, một số quan chức FEMA đã không vượt qua bài kiểm tra, nhưng từ chối cung cấp chi tiết về nội dung bị rò rỉ. DHS khẳng định sẽ tuân thủ đúng quy trình pháp luật và sẽ có hành động thích hợp, kể cả truy tố hình sự trong một số trường hợp. Trong khi đó, kết quả phát hiện nói dối của ông Hamilton được cho là “tích cực”, giúp lãnh đạo FEMA minh oan và giữ nguyên chức vụ. Mặc dù vậy, tâm lý hoang mang vẫn đang lan rộng trong FEMA khi một quan chức giấu tên tại đây cho biết có cảm giác như DHS đang nhắm vào nhân viên bình thường tại đơn vị. The Hill dẫn tuyên bố của Bộ trưởng DHS – bà Kristi Noem vào tháng 3 cho biết muốn “loại bỏ FEMA” (eliminate FEMA) - khiến nội bộ cơ quan hỗn loạn.
Chuyên gia lo ngại, việc cắt giảm nhân sự hoặc giải thể Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang có thể ảnh hưởng đến khả năng ứng phó của Hoa Kỳ trong mùa bão sắp tới (Nguồn: X “@fema”)
Ông Tom Devine – Giám đốc pháp lý của Dự án Trách nhiệm Giải trình Chính phủ (Government Accountability Project) - tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ người tố giác, bày tỏ sự lo ngại về số lượng cuộc kiểm tra máy phát hiện nói dối tăng đột biến chỉ trong vài tháng đầu sau khi Tổng thống nhậm chức. Trong khi đó, chuyên gia cũng đặt câu hỏi về tính chính xác và đạo đức trong việc sử dụng máy phát hiện nói dối, nhất là khi kết quả từ thiết bị này thường không được tòa án chấp nhận. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi nhiều nhân viên FEMA được đề nghị nghỉ việc tự nguyện hoặc nghỉ hưu sớm, trong bối cảnh các kế hoạch cắt giảm lao động liên bang đang được thúc đẩy bởi DHS và các đồng minh tại Nhà Trắng.
Kane Nguyen