(TAP) - Việc Hội Diều làng Bá Dương Nội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng danh hiệu "Nghề truyền thống Hà Nội" dành cho nghề làm diều sáo, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong hành trình gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời của vùng đất Kẻ Bá.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Đạo Cương trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội” cho huyện Đan Phượng, xã Hồng Hà và nhân dân làng Bá Dương Nội. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam
Chiều ngày 12/4 (giờ Việt Nam), huyện Đan Phượng (Hà Nội, Việt Nam) đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Hội Diều làng Bá Dương Nội” và Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” đối với nghề làm diều sáo của làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, làng Bá Dương Nội (tên gọi khác: Bá Giang, tên nôm: Kẻ Bá) là một vùng đất cổ ven sông Nhị Hà (sông Hồng), nơi hội tụ bãi phù sa màu mỡ, nhiều gò đống, cây cối rậm rạp. Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn giữ phong tục tổ chức Hội Diều, gắn liền di tích miếu thờ Thần linh Châu Thổ nhằm cầu mưa thuận, gió hoà, một mùa màng tốt tươi và cuộc sống no đủ. Với hệ thống nghi lễ, nghi thức cổ truyền đặc sắc, Hội Diều làng Bá Dương Nội như một bảo tàng sống về nghệ thuật dân gian, mang đậm bản sắc vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Qua bao thế hệ, người dân, làng Bá Dương Nội truyền cho nhau kỹ nghệ chế tác diều một cách thuần thục. Từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi, hầu như ai cũng biết chơi diều và thành thạo chế tác các loại diều truyền thống đủ mọi kích cỡ. Diều Bá Dương Nội nổi bật bởi kiểu dáng truyền thống không đuôi, luôn kèm theo sáo phát ra âm thanh ngân vang tựa một bản giao hưởng lơ lửng giữa không trung.
Hội diều làng Bá Dương Nội năm 2025. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam
Kỹ thuật làm sáo diều của làng Bá Dương Nội được đánh giá rất cao về tính nghệ thuật và kỹ xảo. Để làm ra một chiếc diều chuẩn mực, người nghệ nhân phải kỳ công lựa chọn nguyên liệu từ tre già phơi khô trên gác bếp đến giấy dó kết hợp nhựa cây cậy làm thân diều. Dây diều xưa được tuốt từ tre, ngâm luộc cùng muối, hạt thầu dầu, tạo nên độ bền chắc đặc trưng. Có ba loại diều nổi tiếng tại làng: diều cánh muỗm, diều cánh chanh, diều cánh mộc. Mỗi loại mang hình dáng và cách bay riêng biệt.
Ngày nay, chất liệu chế tác Diều Bá Dương Nội có phần thay đổi: khung diều có thể dùng thép nhẹ; áo diều làm từ vải hoặc giấy công nghiệp; dây dù thay thế dây tre. Dù vậy, những tinh thần, kỹ thuật chế tác, sự tỉ mỉ trong từng chi tiết vẫn còn giữ nguyên giá trị. Không dừng lại ở phạm vi địa phương, những cánh diều Bá Dương Nội đã vươn xa thế giới, góp mặt tại nhiều lễ hội lớn trong nước và quốc tế như: Festival Diều Quốc tế ở Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng như các kỳ Festival tại Thái Lan (2010, 2014), Trung Quốc (2012), Pháp (2012), Malaysia (2014)... Hình ảnh cánh diều truyền thống mang hồn cốt văn hóa Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu đậm và nhận nhiều lời khen từ bạn bè quốc tế.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam
Với những giá trị tiêu biểu đó, năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh Hội Diều làng Bá Dương Nội vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 372/QĐ-BVHTTDL. Đồng thời, UBND TP Hà Nội công nhận nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội là “Nghề truyền thống Hà Nội” theo Quyết định số 2982/QĐ-UBND.
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ nhận bằng công nhận chiều ngày 12/4/2025, ông Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về quê hương, con người, các di sản văn hóa, nghề truyền thống, đặc biệt là Hội Diều và nghề làm diều sáo của địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Trang Thanh