(TAP) - Nhiều người trong chúng ta có những thói quen tưởng chừng như vô hại hoặc không đáng lo ngại, nhưng thực tế, chúng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe lâu dài. Đôi khi, chỉ vì chúng ta không nhận ra mối nguy hiểm tiềm ẩn từ những hành động hàng ngày này. Dưới đây là một số thói quen phổ biến có thể gây hại cho sức khỏe mà bạn cần lưu ý, điều chỉnh để bảo vệ cơ thể.
1. Uống quá nhiều nước ngọt và đồ uống có đường:
Một nghiên cứu trên American Journal of Clinical Nutrition cho thấy tiêu thụ các loại nước ngọt thường xuyên có thể gây tăng mỡ bụng, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch. Bởi vì khi cơ thể tiêu thụ nhiều đường, tuyến tụy phải sản xuất insulin để điều hòa mức đường huyết, dẫn đến kháng insulin, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, nước ngọt chứa acid và đường thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong miệng, gây sâu răng cùng các vấn đề về nướu.
Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên thay thế nước ngọt bằng nước lọc, trà thảo mộc không đường, hoặc các loại nước ép trái cây tươi không thêm đường. Việc uống đủ nước mỗi ngày cũng giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, tăng cường sức khỏe làn da.
Ảnh minh họa
2. Thức khuya và thiếu ngủ
Nhiều người có thói quen thức khuya, đặc biệt vào những ngày cuối tuần hoặc khi công việc, học tập căng thẳng. Thực tế, thiếu ngủ và thức khuya không chỉ làm giảm khả năng phục hồi thể chất mà còn gây ra hàng loạt vấn đề khác.
Theo nghiên cứu của Harvard Medical School, thiếu ngủ thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bởi nó làm tăng mức độ căng thẳng trong cơ thể cũng như gia tăng huyết áp. Thêm vào đó, khi bạn ngủ không đủ giấc, hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả dẫn đến cơ thể suy yếu, dễ nhiễm bệnh, giảm khả năng phục hồi sau bệnh tật. Ngoài ra, thiếu ngủ liên tục còn tạo ra các vấn đề về tâm lý như lo âu, thậm chí trầm cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tập trung, ghi nhớ.
Để khắc phục vấn đề này, việc duy trì một lịch trình ngủ ổn định là rất quan trọng. Hãy cố gắng ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm và hạn chế sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại hoặc máy tính trước khi đi ngủ vì chúng phát ra ánh sáng xanh, làm giảm chất lượng giấc ngủ. Một không gian ngủ yên tĩnh, tối, thoải mái sẽ giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu hơn.
3. Ăn vặt không kiểm soát
Ăn vặt không kiểm soát dẫn đến tiêu thụ quá nhiều calo, đường và chất béo bão gây tăng cân và béo phì. Bên cạnh đó, các thực phẩm ăn vặt chứa nhiều đường, carbs tinh chế sẽ làm biến động đường huyết, khiến bạn cảm thấy thèm ăn hơn và dễ bị cơn đói tấn công. Điều này có thể làm xuât hiện tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài ra, dạ dày phải làm việc liên tục khi bạn ăn vặt không kiểm soát tạo thêm các vấn đề khác như khó tiêu, đầy hơi, trào ngược axit, rối loạn tiêu hóa.
Do đó, việc kiểm soát lượng thực phẩm ăn vặt và thay thế chúng bằng những lựa chọn lành mạnh như trái cây, hạt hoặc các món ăn ít đường và calo sẽ giúp duy trì sức khỏe tốt hơn.
4. Ngồi quá lâu hoặc thiếu vận động
Ảnh minh họa
Cơ thể không hoạt động thường xuyên khiến quá trình tuần hoàn máu và trao đổi chất bị đình trệ. làm giảm lượng oxy và dinh dưỡng được cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt là các cơ, khớp và tim. Khi ngồi lâu, cơ bắp không được kích hoạt, dẫn đến sự suy giảm khối lượng cơ bắp và khả năng vận động linh hoạt của cơ.
Việc ít vận động kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, béo phì, vì cơ thể không thể đốt cháy calo, điều hòa đường huyết một cách hiệu quả. Thêm vào đó, ngồi lâu khiến các cơ và khớp phải chịu đựng áp lực liên tục, dẫn đến đau lưng, thoái hóa khớp và các vấn đề cơ xương khớp khác.
Vì vậy, việc duy trì sự vận động thường xuyên, ngay cả trong những khoảng thời gian làm việc dài, là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe toàn diện.
5. Lạm dụng các loại thuốc giảm đau và thuốc không kê đơn
Thói quen tự ý sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen hay các loại thuốc kháng histamin mà không cần tham khảo ý kiến bác sĩ có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về gan và thận. Chẳng hạn, paracetamol gây độc cho gan nếu sử dụng quá liều.
Ngoài ra, sử dụng thuốc giảm đau liên tục khiến cơ thể dần quen với thuốc, đòi hỏi chúng ta phải dùng liều cao hơn, tạo thành thói quen phụ thuộc vào thuốc. Sử dụng thuốc không đúng cách dễ xuất hiện các tác dụng phụ không mong muốn như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, suy giảm chức năng miễn dịch.
Trước khi dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liệu pháp điều trị thích hợp.
Ảnh minh họa
Trang Thanh