(TAP) - Tại cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 14/3/2025, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) báo động về sự gia tăng đáng lo ngại của bệnh sởi tại khu vực châu Âu.
Thông tin bài báo cáo được đang tải trên trang của UNICEF
Cụ thể, theo báo cáo do WHO VÀ UNICEF công bố, sau khi số ca mắc sởi tại châu Âu giảm đáng kể từ mức 216.000 ca vào năm 1997 xuống mức thấp kỷ lục 4.440 ca vào năm 2016, dịch bệnh bắt đầu tái bùng phát vào các năm 2018 (89.000 ca) –2019 (106.000 ca). Thêm vào đó, việc suy giảm tỷ lệ tiêm chủng trong đại dịch COVID-19 tiếp tục làm gia tăng số ca mắc trong năm 2023 và 2024.
Biểu đồ thể hiện sự biến động số ca mắc sởi tại khu vực châu Âu trong 30 năm (từ năm 1997 đến năm 2024)
Đỉnh điểm, năm 2024, khu vực châu Âu ghi nhận 127.350 ca mắc sởi, chiếm khoảng một phần ba tổng số 359.521 ca sởi trên toàn cầu. Đây là con số cao nhất kể từ năm 1997 và cao gấp đôi so với năm 2023. Trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Romania báo cáo 30.692 ca mắc trong năm 2024, Kazakhstan ghi nhận 28.147 ca, Moldova có 217 ca, Ukraine có 473 ca, Ba Lan có 284 ca và Bulgaria có 27 ca. Đáng chú ý, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm hơn 40% tổng số ca bệnh với hơn một nửa số ca mắc phải nhập viện.
Tính đến ngày 06/3/2025, 38 trường hợp tử vong được báo cáo. Nguyên nhân chính cho sự bùng nổ các ca mắc trên xuất phát từ việc thực hiện tiêm chủng không đầy đủ của nhiều quốc gia thuộc châu Âu. Riêng năm 2023, khoảng 500.000 trẻ em trên khắp khu vực châu Âu không tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên (MCV1) theo chương trình tiêm chủng thường quy.
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cao nhất có thể gây biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy nặng và mất nước. Bệnh cũng gây suy giảm hệ miễn dịch khiến người mắc dễ bị nhiễm các bệnh khác. Virus sởi có khả năng lây lan nhanh chóng qua biên giới và lục địa, đặc biệt trong những nhóm dân cư chưa tiêm phòng đầy đủ.
Tiêm vaccine là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất chống lại sởi nhưng tại nhiều quốc gia, tỷ lệ bao phủ vẫn còn thấp. Năm 2023, chưa đến 80% trẻ em đủ điều kiện tại Bosnia & Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Romania được tiêm mũi vaccine đầu tiên (MCV1) – thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 95% cần thiết để duy trì miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, tại Bosnia & Herzegovina và Montenegro, tỷ lệ tiêm chủng MCV1 đã duy trì ở mức dưới 70% và thậm chí dưới 50% trong suốt 5 năm qua.
Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, WHO và UNICEF đang phối hợp chặt chẽ với các chính phủ cùng sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, Liên minh Toàn cầu vaccine và Tiêm chủng (GAVI) kiểm soát và ngăn chặn sởi. Các biện pháp bao gồm: Nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của vaccine; Đào tạo và hỗ trợ nhân viên y tế; Tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh; Triển khai các chiến dịch tiêm chủng bổ sung.
Ảnh minh họa. Nguồn: UNICEF
WHO và UNICEF kêu gọi các chính phủ có dịch bệnh bùng phát phải khẩn trương đẩy mạnh công tác tìm kiếm ca bệnh, truy vết tiếp xúc và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp. Đồng thời, các nước cần phân tích nguyên nhân gốc rễ của các đợt bùng phát, khắc phục những điểm yếu trong hệ thống y tế và sử dụng dữ liệu dịch tễ học một cách chiến lược để lấp đầy khoảng trống trong chương trình tiêm chủng. Đối với các quốc gia chưa ghi nhận dịch sởi, WHO khuyến nghị chủ động rà soát, củng cố hệ miễn dịch cộng đồng, duy trì niềm tin vào vaccine và đảm bảo hệ thống y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó.
Việc kiểm soát bệnh sởi đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ các chính phủ, cộng đồng y tế và toàn xã hội. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong công tác phòng ngừa đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. WHO và UNICEF nhấn mạnh rằng việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng là chìa khóa để chấm dứt các đợt bùng phát và bảo vệ thế hệ tương lai khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
Hoang Nam