(TAP) - Nối gót Liên minh châu Âu (EU), Canada chính thức công bố mức thuế đối ứng đáp trả sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đơn phương áp thuế 25% đối với tất cả sản phẩm thép và nhôm Canada.
Ảnh minh họa. Nguồn: Trang web Hiệp hội Nhôm Hoa Kỳ (The Aluminum Association)
Theo thông báo do Bộ Tài chính Canada (Department of Finance Canada) đăng tải hôm 12/3 (giờ địa phương), Ottawa sẽ áp mức thuế đối ứng 25% có hiệu lực từ 0h00 ngày 13/3 dựa trên nguyên tắc đáp trả “từng đô la một”. Danh mục hàng hóa bị ảnh hưởng bao gồm thép (12,6 tỷ CAD), nhôm (3 tỷ CAD) và các sản phẩm bổ sung khác của Hoa Kỳ trị giá 14,2 tỷ CAD như công cụ, máy tính, màn hình hiển thị, dụng cụ thể thao và sản phẩm gang.
Thông tin từ Bộ Tài chính Canada
Chính phủ Canada áp dụng thuế đối ứng 25% bên cạnh mức thuế 25% mà Canada áp lên 30 tỷ CAD hàng hóa Hoa Kỳ nhằm phản ứng với sắc lệnh thuế quan từ Washington theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) đã có hiệu lực vào ngày 04/3. Ngoài ra, chính phủ nước này cảnh báo nếu Washington không rút lại các biện pháp thuế quan phi lý, Ottawa sẽ tiếp tục mở rộng danh mục hàng hóa bị đánh thuế vào ngày 02/4 sau khi tham vấn ý kiến công chúng. Đồng thời, Chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau cũng đang xem xét áp thuế bổ sung với các sản phẩm phái sinh từ thép và nhôm Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Tài chính Canada Dominic LeBlanc chỉ trích quyết định từ Hoa Kỳ là "không có cơ sở và vô lý," gây tổn hại đến quan hệ thương mại hai nước, làm gia tăng chi phí cho cả người tiêu dùng Hoa Kỳ lẫn Canada. Ông khẳng định: "Chính phủ chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ việc làm của người Canada và hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này."
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác thay vì áp đặt rào cản thương mại: "Thép và nhôm của Canada làm Hoa Kỳ mạnh hơn. Các mức thuế không chỉ gây thiệt hại cho Canada mà còn đe dọa việc làm ở cả hai bên biên giới."
Trang thông tin Bộ Tài chính Canada trích dẫn phát biểu của các vị bộ trưởng
Trong khi đó, Bộ trưởng Đổi mới, Khoa học và Công nghiệp Canada François-Philippe Champagne cảnh báo mức thuế này sẽ làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp Hoa Kỳ từ quốc phòng, đóng tàu đến ô tô. Bộ trưởng Francois-Philippe Champagne cho biết: "Canada sẽ không lùi bước. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ người lao động và nền kinh tế của mình."
Bất chấp căng thẳng leo thang, giới quan sát nhận định hai nước vẫn có cơ hội tháo gỡ xung đột thông qua đàm phán. Việc duy trì một chuỗi cung ứng bền vững và ổn định giữa Canada - Hoa Kỳ, đặc biệt trong các ngành công nghiệp quan trọng, sẽ là yếu tố then chốt để hướng đến một giải pháp hợp lý hơn cho cả hai bên.
Hoang Nam