(TAP) - Mùa đông xuân là thời điểm bệnh cúm mùa gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là sau Tết Nguyên Đán, khi nhu cầu giao thương, du lịch và tụ tập đông người tăng cao. Trong bối cảnh này, một vấn đề đáng lo ngại đã nảy sinh: nhiều người dân tự ý mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm tại nhà mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Các chuyên gia y tế cảnh báo về nguy cơ lạm dụng thuốc và những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng cấp tính do các chủng virus cúm A(H3N2), A(H1N1), B và C gây ra. Virus lây lan nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn từ dịch tiết mũi họng hay nước bọt của người bệnh. Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm sốt, đau đầu, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Trong phần lớn các trường hợp, cúm mùa có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc kháng virus.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam), từ đầu năm 2025, cả nước ghi nhận 912 ca mắc cúm, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vẫn có không ít ca bệnh nặng, và một số bệnh nhân phải can thiệp ECMO do biến chứng nghiêm trọng. Năm 2024, Việt Nam ghi nhận gần 290.000 ca mắc cúm mùa, trong đó có 8 trường hợp tử vong. Các tỉnh có tỷ lệ mắc bệnh cao bao gồm Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Sơn La.
Trước tình hình trên, ngày 10/2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế Việt Nam) thông tin rằng trong thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng vi rút có xu hướng gia tăng. Ghi nhận trên thị trường trong những ngày gần đây xuất hiện tình trạng không ít người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng vi rút cúm A về dự trữ do tâm lý sợ giá sẽ tăng, khan hiếm. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng Tamiflu mà không có chỉ định của bác sĩ có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
Ảnh minh họa
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Tamiflu là thuốc kháng virus được chỉ định trong các trường hợp cúm có nguy cơ biến chứng hoặc bệnh diễn biến nặng. Thuốc này chỉ có hiệu quả nếu được sử dụng trong vòng 48 giờ đầu sau khi phát bệnh và chỉ dành cho những đối tượng có triệu chứng nặng hoặc có nguy cơ biến chứng như trẻ em dưới 2 tuổi, người cao tuổi, hay bệnh nhân có bệnh lý nền như hen suyễn, bệnh tim mạch, hoặc suy giảm miễn dịch. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo Tamiflu không phải thuốc chữa dứt điểm cúm như kháng sinh đối với vi khuẩn. Lạm dụng thuốc có thể gây tác dụng phụ như nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu, và có thể gây độc thận đối với những người có vấn đề về thận. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc không đúng cách dễ dẫn đến kháng thuốc, làm gia tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm, đồng thời tạo ra tâm lý chủ quan khiến người dân bỏ qua các biện pháp phòng ngừa quan trọng.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân tiêm vaccine cúm hàng năm, đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, tránh tiếp xúc gần người mắc bệnh. Ngoài ra, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, và tập thể dục đều đặn cũng là những yếu tố quan trọng để tăng cường sức đề kháng.
Đặc biệt, người dân không nên tự ý mua và sử dụng Tamiflu khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Khi có triệu chứng cúm, hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị đúng cách, nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Phương Vi