(TAP) - Mùa xuân miền Bắc với đặc trưng nồm ẩm, mưa phùn kéo dài kết hợp cùng các hoạt động lễ hội đầu năm thu hút đông người tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại virus gây bệnh đường hô hấp. Những nhóm đối tượng như người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh nền, người có hệ miễn dịch suy giảm cần cẩn trọng trước nguy cơ nhiễm cúm và các bệnh truyền nhiễm khác.
Theo thông tin từ Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam) cho biết hiện tượng nồm ẩm tại miền Bắc (Việt Nam) kéo dài từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 4. Mỗi đợt có thể diễn ra trong vài ngày đến cả tuần. Thời tiết này chỉ chấm dứt khi có không khí lạnh mạnh tràn về hoặc khi trời có nắng kéo dài. Sự kết hợp giữa độ ẩm cao và ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, nhất là viêm phổi, viêm phế quản, bệnh phổi mãn tính.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng độ ẩm trên 80% tạo môi trường lý tưởng cho virus và vi khuẩn phát triển. Sự thay đổi liên tục giữa mưa phùn, sương mù và nắng nhẹ trong ngày khiến cơ thể khó thích nghi, làm suy giảm hệ miễn dịch, đặc biệt ở nhóm người có sức đề kháng yếu. Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội cảnh báo thời tiết nồm ẩm đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan mạnh mẽ của các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, Covid-19, tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết.
Đáng chú ý, cúm mùa bùng phát mạnh với hàng chục ca mắc mới mỗi ngày tại các bệnh viện tuyến trung ương. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số ca cúm trong tháng 1 tăng gấp 6 lần so với tháng 12/2024. Nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Nhi Trung ương, Lão khoa, 108 và E cũng ghi nhận số ca bệnh nặng gia tăng đáng kể. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thời tiết nồm ẩm còn tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh sương mai, chết rũ và rệp muội phát triển trên cây trồng. Nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời, nhiều diện tích rau vụ xuân có thể bị hư hại nghiêm trọng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin Sở Y tế Hà Nội
Để hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết nồm ẩm, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, đặc biệt với những người có bệnh nền về hô hấp. Khi di chuyển ngoài trời, nên đeo khẩu trang để giảm nguy cơ hít phải không khí ô nhiễm. Đồng thời, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để hạn chế lây nhiễm virus. Bên cạnh đó, việc vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sử dụng máy hút ẩm hoặc điều hòa để duy trì độ ẩm ở mức an toàn cũng rất quan trọng. Ngoài ra, cần tăng cường dinh dưỡng bằng cách bổ sung vitamin C, uống đủ nước và duy trì chế độ ăn lành mạnh để nâng cao sức đề kháng.
Trang Thanh