logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc botulinum từ thực phẩm

Ngày đăng: 25/3/2025

(TAP) - Ngộ độc botulinum (còn gọi là ngộ độc thịt) là một trong những dạng ngộ độc nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngộ độc botulinum xảy ra khi tiêu thụ thực phẩm nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum hoặc độc tố của nó. Vi khuẩn này sinh trưởng mạnh trong môi trường yếm khí (thiếu oxy) và có thể tồn tại dưới dạng bào tử chịu nhiệt. Khi gặp điều kiện thích hợp, các bào tử phát triển, sản sinh độc tố cực mạnh, gây tê liệt thần kinh, suy hô hấp và tử vong. Có 7 dạng độc tố botulinum riêng biệt từ loại A đến G. Trong đó, độc tố botulinum loại A, B, E và hiếm khi là F có khả năng gây ngộ độc ở người. Các loại C, D và E gây bệnh cho các loài chim, cá và động vật có vú khác.

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc botulinum từ thực phẩm

Độc tố botulinum gây ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum. Nguồn: Cổng thông tin Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh

Tính đến hiện tại, botulinum là một chất độc thần kinh mạnh nhất mà con người biết đến, được biểu thị bằng nanogam. Chỉ từ 1,3 - 2,1 nanogam botulinum đã có thể gây tử vong và độc gấp 7 triệu lần nọc rắn hổ mang. Triệu chứng ngộ độc botulinum thường xuất hiện trong vòng 12 - 36 giờ sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc. Ban đầu, người bệnh sẽ cảm thấy khô miệng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng. Sau đó, các triệu chứng thần kinh bắt đầu xuất hiện, bao gồm suy yếu dần các cơ trên cơ thể, khuôn mặt mất biểu cảm, mí mắt sụp, chảy nước dãi, chóng mặt, nhìn đôi. Cánh tay và chân dần mất sức, người bệnh gặp khó khăn khi nói, nuốt, thậm chí khó thở. Trong trường hợp nặng, ngộ độc botulinum dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Một số loại thực phẩm dễ bị nhiễm botulinum bao gồm: thực phẩm đóng hộp, thực phẩm ướp sống, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm lên men… Thực phẩm đóng hộp có nguy cơ cao nếu quy trình chế biến không đảm bảo an toàn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, sản sinh độc tố. Các món thực phẩm ướp sống như sushi, sashimi, thịt ướp sống không được bảo quản và chế biến hợp vệ sinh cũng có nguy cơ nhiễm độc. Ngoài ra, thực phẩm đông lạnh như thịt, hải sản, rau củ rã đông không đúng cách hoặc bảo quản ở nhiệt độ không phù hợp cũng dễ bị nhiễm botulinum. Một nhóm thực phẩm khác cần lưu ý là thực phẩm lên men như kimchi, dưa muối, cải chua. Nếu lên men sai quy trình, không đạt độ chua cần thiết, vi khuẩn sẽ phát triển và gây nguy hiểm.

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc botulinum từ thực phẩm

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh

Để bảo vệ bản thân và gia đình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo áp dụng 5 nguyên tắc quan trọng khi chế biến và bảo quản thực phẩm: giữ vệ sinh sạch sẽ; tách riêng thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo; nấu chín kỹ thực phẩm để đảm bảo an toàn; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp nhằm hạn chế vi khuẩn phát triển; sử dụng nguồn nước và nguyên liệu an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, kiểm định chất lượng.

Ngoài ra, mọi người cần lưu ý không sử dụng thực phẩm đóng hộp bị phồng nắp, méo móp - dấu hiệu nguy cơ nhiễm botulinum. Với thực phẩm rút chân không, cần chú ý nếu có dấu hiệu phồng hơi. Thực phẩm lên men cần đạt độ chua thích hợp (pH<4) để ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Các thực phẩm có độ mặn cao như cá khô, mắm tôm ít có nguy cơ nhiễm botulinum. Bảo quản thực phẩm dưới 2 độ C chỉ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn nhưng không tiêu diệt hoàn toàn chúng, do đó cần tránh lưu trữ thực phẩm quá lâu.

Ngộ độc botulinum là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm. Hãy chú ý đến cách chế biến, bảo quản thực phẩm và cảnh giác với những dấu hiệu nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Phương Vi

Loading comments...

Bài viết liên quan

mới nhất

Quảng cáo

Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px