(TAP) – Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa các thành viên châu Âu (EU) với Hoa Kỳ có dấu hiệu leo thang, chuyên gia nói một số nền kinh tế khác, đặc biệt là Trung Quốc đang được hưởng lợi lớn nhất từ tình hình này.
Như TAP News thông tin, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (European Union, viết tắt: EU) đang ngày càng leo thang, gây ra những tác động tiêu cực khi đôi bên liên tiếp áp đặt thuế quan trả đũa. Liên quan đến vấn đề này, ngày 13/3, truyền thông trong nước (Reuters) dẫn lời Phó Tổng thống J.D. Vance bảo vệ lập trường cứng rắn của chính quyền ông Donald Trump, cho rằng chính sách thuế quan nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng và bảo vệ lợi ích lao động, thay vì gia tăng căng thẳng. Ông J.D. Vance khẳng định, nền kinh tế quốc gia vẫn đang tăng trưởng khá mạnh, bất chấp những biến động trên thị trường chứng khoán do ảnh hưởng từ “thuế quan qua lại” (Reciprocal Tariff) áp dụng bởi đối tác.
Cũng theo Phó Tổng thống Hoa Kỳ, động thái áp thuế này của ông Trump là lần đầu tiên trong 40 năm qua, Washington, D.C thực sự đáp trả mạnh mẽ các chính sách bất công từ quốc gia khác, đặc biệt là EU. Trước đó, Nhà Trắng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các mức thuế mà những nước EU áp lên hàng hóa Ha Kỳ, đồng thời nhấn mạnh đây là hành động vô lý và thiếu công bằng. Ông J.D. Vance cho biết, các ngành công nghiệp nội địa sẽ nhanh chóng điều chỉnh để thích ứng với thay đổi này, dù một số ít sẽ phải mất thêm thời gian để tái tổ chức lại chuỗi cung ứng.
Tại Hội nghị G7 ở Canada ngày 13/3, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói, Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và EU (Nguồn: X “Kaja Kallas @kajakallas”)
Về phía EU, căng thẳng ngày càng gia tăng sau khi Liên minh đáp trả các mức thuế đối với nhôm và thép của ông Trump bằng cách áp thuế lên 28 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Trong khi cuộc chiến về thuế quan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, EU cũng đang không ngừng cảnh báo về những tác động tiêu cực đối với cả hai nền kinh tế. Bao gồm nguy cơ gia tăng lạm phát, gây thiệt hại trực tiếp đối với người tiêu dùng, làm tổn thương các ngành công nghiệp trong khu vực, đặc biệt là ngành chế biến rượu và đồ uống có cồn. Phát biểu tại Hội nghị G7 ở Canada vào ngày 13/3, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission, viết tắt: EC), kiêm đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU – bà Kaja Kallas cho rằng, trên thực tế, Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi lớn nhất. Bắc Kinh đang đứng ngoài cuộc và thu lợi từ sự xung đột này.
Những diễn biến trong cuộc chiến thương mại phần nào làm nổi bật vai trò của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mặc dù không tham gia trực tiếp, chính quyền đất nước tỷ dân có thể tận dụng cơ hội, tranh thủ khi các quốc gia khác bận rộn với biện pháp trả đũa để gia tăng xuất khẩu sang những thị trường mà cả EU và Mỹ đang bỏ trống. Qua đó, Bắc Kinh sẽ hưởng lợi lớn từ việc thay thế các sản phẩm bị hạn chế bởi thuế quan. Bà Kaja Kallas tuyên bố, EU đã sẵn sàng đối phó với các đòn thuế quan của Hoa Kỳ, nhưng vẫn kêu gọi Washington, D.C kiềm chế. Ở một diễn biến khác, trong khi Hoa Kỳ và EU tiếp tục căng thẳng, Canada cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự khi đàm phán với ông Trump về thuế quan. Gần đây, các nhà ngoại giao phía chính quyền Ottawa (thủ đô Canada) đã kết thúc cuộc họp cấp cao với Washington, D.C, song chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về việc dỡ bỏ thuế quan mới. Mặc dù vậy, đại diện chính phủ nước này vẫn lạc quan về việc các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ có thể đi đến kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Kaja Kallas cảnh báo, căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm tổn thương các ngành công nghiệp (Nguồn: X “Kaja Kallas @kajakallas”)
Kelvin Huynh