(TAP) – Liên quan đến chính sách áp thuế 25% nhôm thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nó chỉ thúc đẩy hoạt động kinh doanh nội địa trong ngắn hạn, song tình hình sẽ trở nên phức tạp khi các quốc gia khác trả đũa. Một số doanh nghiệp tái chế kim loại – những đơn vị được cho hưởng lợi từ chính sách này nói gì?
NBC News dẫn lời Chủ sở hữu doanh nghiệp tái chế kim loại Recycling tại Erie (bang Pennsylvania) – ông Andrew Lincoln nói rằng, việc áp thuế kim loại nhập khẩu nước ngoài, trong trường hợp này là nhôm và thép, sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại trong nước, có khả năng mang đến lợi ích cho doanh nghiệp tái chế nội địa trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, Recycling cũng như một số đơn vị khác hoạt động trong cùng lĩnh vực lo ngại, bất kỳ sự thúc đẩy nào cũng có thể bị cản trở bởi trả đũa từ chính phủ nước ngoài khiến lợi ích tức thời giảm xuống nhanh chóng.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Hiệp hội Nhôm (The Aluminum Association, viết tắt: ASI) – ông Charles Johnson ủng hộ chính sách thuế quan của lãnh đạo Nhà Trắng, nói nó sẽ giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc của quốc gia vào nhôm nguyên sinh từ các nguồn bên ngoài. Tuy nhiên, đại diện ASI lưu ý, xuất khẩu vẫn rất quan trọng đối với ngành nhôm. Cũng theo NBC News, nhiều nhóm ngành công nghiệp đã lên tiếng bày tỏ sự lo lắng ông Donald Trump tuyên bố áp thuế Canada – một trong những nhà cung cấp thép và nhôm lớn của Washington, D.C. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey) cho biết, tính đến năm 2023, Canada chiếm hơn 50% lượng nhôm nhập khẩu và hơn 20% lượng thép và sắt nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Đại diện Hiệp hội Nhôm Hoa Kỳ ủng hộ chính sách áp thuế, nhưng xuất khẩu vẫn rất quan trọng đối với ngành (Nguồn: The Aluminum Association)
Ở chiều hướng ngược lại, dữ liệu từ Theo Hiệp hội Vật liệu Tái chế (Recycled Materials Association, viết tắt: RMA), Hoa Kỳ xuất khẩu khoảng 20% thép và 37% nhôm tái chế sang các nước khác, mang đến tổng cộng khoảng 26,7 tỷ USD xuất khẩu ghi nhận năm 2023. Theo đó, RMA ước tính, doanh số thuế quan trả đũa của các chính phủ nước ngoài có thể làm tắc nghẽn hoặc ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu 02 mặt hàng này của Washington, D.C. Với mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau cũng như yêu cầu về việc dòng chảy thương mại vẫn cần được giao dịch tự do trong toàn Bắc Mỹ, RMA có quyền lo ngại vật liệu của nhiều doanh nghiệp quốc nội khó được xuất khẩu thuận lợi đến những nơi có nhu cầu.
Đồng quan điểm, CEO Hiệp hội Chất thải và Tái chế Quốc gia (National Waste and Recycling Association, viết tắt: NWRA) – tổ chức đại diện cho hầu hết các nhà tái chế hàng tiêu dùng ở Hoa Kỳ, cũng cho biết vật liệu tái chế thường được di chuyển tương đối tự do giữa Mexico, Canada và Hoa Kỳ. Mặc dù thuế quan có thể giúp các sản phẩm thép và nhôm trong nước cạnh tranh hơn, nhưng sự trả đũa từ các nước khác, đặc biệt là Canada và Mexico có thể gia tăng bất ổn thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, đại diện NWRA nói rằng, những bất ổn này có thể lan sang cả những đơn vị tái chế và môi trường nếu họ không tìm được nguồn nguyên liệu cần thiết từ thị trường trong nước.
Hiệp hội Chất thải và Tái chế Quốc gia cho rằng, hành động trả đũa thuế quan từ các quốc gia khác có thể ảnh hưởng cả những đơn vị tái chế và môi trường ở Hoa Kỳ (Nguồn: Facebook “National Waste & Recycling Association”)
Như TAP News từng thông tin, thuế quan 25% của Tổng thống Donald Trump đối với thép và nhôm có hiệu lực từ ngày 12 tháng 3, gây ra phản ứng trả đũa từ các quốc gia khác. Các miễn trừ tạm thời cho Canada và Mexico sẽ hết hạn vào ngày 2/4 (giờ địa phương) khi lãnh đạo Nhà Trắng công bố các thuế quan mới đối với tất cả các quốc gia. Trước bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu (European Commission) chuẩn bị tái áp dụng thuế trả đũa, trong khi Canada đã áp dụng thuế 25% đối với nhiều sản phẩm của Washington, D.C.
Kelvin Huynh