logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nông dân phải đối mặt thiệt hại lớn nhất?

Ngày đăng: 16/4/2025

(TAP) - Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung leo thang sau khi Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế bổ sung lên đến 145% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chuyên gia quan ngại rằng, không bên nào thắng tuyệt đối trong cuộc chơi thuế quan, song một điều chắc chắn là nông dân Hoa Kỳ đường như đang phải đối mặt với thiệt hại lớn nhất.

Như TAP News thông tin, trước động thái cứng rắn từ lãnh đạo Nhà Trắng, Trung Quốc đã không chấp nhận lùi bước. Chính phủ nước này tuyên bố sẵn sàng “chiến đấu đến cùng” (fight to the end) nếu phía Washington, D.C tiếp tục gia tăng căng thẳng. Không những vậy, vào cuối tuần trước (11/4), Bắc Kinh đã nổ “phát súng” đáp trả đầu tiên khi tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Hoa Kỳ. Theo đó, một cuộc chiến thương mại toàn diện dường như đang dần hình thành, tờ CNN nhận định. Tờ báo này cũng đã tiến hành phân tích để xác định bên nào sẽ chịu tổn thất nhiều hơn trong cuộc chiến này, đặc biệt thông qua mặt hàng xuất khẩu quan trọng: Đậu nành (soybeans). Đây là loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Hoa Kỳ sang Trung Quốc, chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi tại đất nước tỷ dân.

Trong nhiều năm qua, mặt hàng này cũng trở thành biểu tượng của mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mặc dù Trung Quốc bán hàng hóa sang Hoa Kỳ nhiều gấp 03 lần lượng hàng hóa nhập khẩu từ nước này, nhưng Washington, D.C vẫn giữ vai trò chủ chốt trong việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt như đã đề cập là đậu nành, bên cạnh đó còn có hạt có dầu (macca, hạnh nhân, lạc) cùng ngũ cốc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, khi căng thẳng thương mại bắt đầu leo thang, Bắc Kinh đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung đậu nành bằng cách nhập khẩu từ các quốc gia khác. Giờ đây, với mức thuế mới lên đến 125% được Bắc Kinh áp dụng cho toàn bộ hàng hóa Hoa Kỳ, các chuyên gia do CNN khảo sát dự đoán, lượng đậu nành xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có thể giảm, gần như về con số 0.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nông dân phải đối mặt thiệt hại lớn nhất?

Nông dân tại Hoa Kỳ có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu Trung Quốc chọn ngừng nhập khẩu đậu nành (Nguồn: pexels)

Hiện tại, đậu nành xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc đang phải gánh chịu mức thuế tổng cộng là 135%, bao gồm cả mức thuế 10% đã được chính phủ Bắc Kinh áp dụng từ tháng 3/2025. Trong khi đó, các quốc gia như Brazil – nhà xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới, được hưởng lợi từ tình hình này. Kể từ năm 2010, ghi nhận xuất khẩu đậu nành từ Brazil sang Trung Quốc tăng hơn 280%, trong khi con số này đối với Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên. Vào năm 2024, Chủ tịch nước Trung Quốc – ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Brazil nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại song phương. Sau hoạt động ngoại giao trên, đến nay, hơn 73% lượng đậu nành xuất khẩu của Brazil đang đổ bộ vào thị trường Trung Quốc.

Dự báo cho thấy vụ mùa đậu nành của Brazil năm 2025 được cho cũng đạt mức kỷ lục. Điều này cho thấy Trung Quốc hoàn toàn có khả năng gia tăng nhập khẩu từ các nguồn thay thế, trong trường hợp này là Brazil hoặc một quốc gia Nam Mỹ khác là Argentina – thị trường cung ứng đậu nành lớn thứ 03 thế giới. Tất cả những dữ liệu này đều đưa đến một kết luận rằng người nông dân ở Hoa Kỳ có nguy cơ rơi vào tình trạng khó khăn. Hiệp hội Đậu nành Hoa Kỳ (American Soybean Association) dẫn số liệu cữ từ cuộc chiến thương mại năm 2018, nói rằng ngành nông nghiệp quốc gia đã mất khoảng 27 tỷ USD, trong đó đậu nành chiếm tới 71% trong tổng số thiệt hại.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nông dân phải đối mặt thiệt hại lớn nhất?

Chuyên gia nói Trung Quốc có thể hợp tác với Đông Nam Á để tìm kiếm nguồn cung đậu nành thay thế trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Hoa Kỳ (Nguồn: pexels)

Không chỉ dựa vào Brazil, Trung Quốc còn đang tích cực tìm kiếm thêm đối tác thương mại. Bắc Kinh gần đây đã tuyên bố sẵn sàng tăng cường hợp tác với các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations, viết tắt: ASEAN). Đồng thời, đất nước tỷ dân cũng tái khởi động đối thoại thương mại với Liên minh châu Âu (European Union, viết tắt: EU), bao gồm cả các vấn đề liên quan đến cứu trợ và xe điện (EV).

Danny Tran

 

Loading comments...

Bài viết liên quan

mới nhất

Quảng cáo

Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px