(TAP) - Trước tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp với số ca mắc tiếp tục ở mức cao và nguy cơ gia tăng vào thời gian tới, Bộ Y tế Việt Nam tổ chức cuộc họp khẩn vào ngày 15/3 tại Hà Nội nhằm đề ra các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Toàn cảnh cuộc họp. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Y tế Việt Nam
Theo báo cáo từ Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế Việt Nam), tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 38.807 ca nghi mắc sởi. Trong đó, 3.447 trường hợp được xác định dương tính xuất hiện tại 61 tỉnh, thành phố, và 5 ca tử vong liên quan đến bệnh này. Đáng chú ý, khu vực miền Nam ghi nhận số ca cao nhất (57%), tiếp theo là miền Trung (19,2%), miền Bắc (15,1%) và Tây Nguyên (8,7%).
Những địa phương có số ca mắc gia tăng đáng kể gồm: Đà Nẵng (2.043 ca), Khánh Hòa (1.661 ca), Gia Lai (1.879 ca), Đồng Tháp (1.202 ca), An Giang (1.046 ca)...Một số tỉnh thành có số ca mắc cao nhưng bắt đầu có dấu hiệu chững lại như: TP. Hồ Chí Minh (3.321 ca), Hà Giang (6.017 ca), Đồng Nai (4.099 ca), Bình Dương (2.085 ca)...Số liệu thống kê cho thấy 72,7% số ca sốt phát ban nghi sởi tập trung ở nhóm trẻ từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi. Đáng lo ngại, 15,3% trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 9 tháng tuổi – nhóm chưa đủ điều kiện tiêm vaccine khiến nguy cơ lây lan càng cao. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em nam mắc bệnh (55,7%) cao hơn so với trẻ em nữ (44,3%).
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại cuộc họp. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Y tế Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch sởi đang có xu hướng gia tăng do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Xuyên suốt 5 năm qua, dịch bệnh này bùng phát tại 103 quốc gia, chủ yếu do tỷ lệ tiêm vaccine dưới mức an toàn (dưới 80%). Tại Việt Nam, dù Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch, triển khai chiến dịch tiêm chủng nhưng tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi chưa đạt mức cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng.
Được biết, theo quy định tại Việt Nam, trong khi Bộ Y tế chịu trách nhiệm cung ứng vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, các địa phương phải chủ động rà soát đối tượng, triển khai tiêm phòng. Tuy nhiên, Cục Phòng bệnh ghi nhận một số tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp chỉ khoảng 40% và tiến độ tiêm chủng ở nhiều tỉnh còn chậm, nhất là ở Đắk Nông, Nghệ An, Thanh Hóa, Bến Tre, Bình Phước... Chỉ riêng Kon Tum mới triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi vào thời gian gần đây. Bên cạnh đó, sau đại dịch COVID-19, tình trạng "anti vaccine" gia tăng khiến nhiều phụ huynh không đưa trẻ đi tiêm phòng. Một số địa phương vùng sâu, vùng xa cũng gặp khó khăn về việc tiếp cận dịch vụ tiêm chủng càng làm gia tăng "khoảng trống miễn dịch" cộng đồng.
Virus sởi (Polynosa morbillarum) thuộc họ Paramyxoviridae. Nguồn: Cổng thông tin Bệnh viện Quân Y 175
Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus sởi gây ra có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp. Trung bình, một người mắc bệnh có thể lây cho 12 - 18 người khác. Nếu không tiêm phòng, 90% những người tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ bị lây nhiễm. Bệnh sởi gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, loét giác mạc, viêm não và có thể dẫn đến tử vong. Để kiểm soát dịch sởi, miễn dịch cộng đồng cần đạt ít nhất 95%. Hiện tại Việt Nam vẫn chưa đạt ngưỡng an toàn, dẫn đến khả năng lây lan cao trong cộng động. Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Cao Việt Tùng, cho biết tại cuộc họp khẩn ngày 15/3 rằng từ đầu năm 2025 đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 1.000 ca mắc sởi, trong đó hơn 50% chưa từng được tiêm vaccine.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh để dập tắt dịch sởi, ngoài việc tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của tiêm chủng, cần đảm bảo vaccine đến với tất cả trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức và chủ động đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch, vì đây là biện pháp duy nhất giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi và những biến chứng nguy hiểm.
Trang Thanh