(TAP) - Trước sức ép từ các mức thuế quan được chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng, nhiều công ty tại Hoa Kỳ đã chuyển hướng chiến lược nhập khẩu bằng cách đưa hàng hóa vào các khu thương mại tự do (FTZ) và kho ngoại quan nhằm trì hoãn, hoặc thậm chí tránh việc đóng thuế nhập khẩu.
Theo thông tin từ tờ CNBC News, khu thương mại tự do (Foreign Trade Zones, viết tắt: FTZ) và kho ngoại quan là những khu vực đặc biệt được Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (Customs and Border Protection, viết tắt: CBP) phê duyệt. Điều này giúp hàng hóa được lưu trữ hoặc sản xuất mà không bị đánh thuế ngay lập tức, trong khi chỉ khi hàng được đưa ra khỏi FTZ để tiêu thụ trong nước, thuế quan mới được áp dụng. Nhờ vậy, các công ty có thể linh hoạt hơn trong chiến lược kinh doanh và quản lý dòng tiền. Giám đốc chiến lược ngành tại Descartes Global Trade Intelligence (chuyên cung cấp hệ thống hỗ trợ cho các FTZ) – ông Jackson Wood cho biết, trước đây, việc đầu tư vào FTZ không được nhiều doanh nghiệp cân nhắc do chi phí lớn. Tuy nhiên, với tình hình thuế quan leo thang, nhiều công ty, bao gồm cả quy mô nhỏ, đã bắt đầu tính toán và nhận thấy FTZ có thể là giải pháp tài chính hợp lý.
Các chuyên gia nói rằng, doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm đến các khu thương mại tự do để giảm thiểu tác động từ thuế quan của ông Trump (Nguồn: Facebook “U.S. Department of Commerce”)
Cũng theo CNBC, thông thường, doanh nghiệp có 90 ngày tạm hoãn trước khi mức thuế mới có hiệu lực, nhưng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc hiện đã chạm ngưỡng 145%, khiến nhu cầu sử dụng FTZ tăng vọt. Các khu vực này cho phép hàng hóa nhập khẩu được lưu trữ trong thời gian dài (tối đa lên đến 05) và chỉ tính thuế khi chúng được đưa vào thị trường. Điều này tạo điều kiện cho các công ty áp dụng chiến lược gọi là “thuế quan đảo ngược” (inverted tariff) - tức chọn thời điểm và mức thuế thấp hơn để thương mại trên thị trường. Chủ tịch Hiệp hội quốc gia các khu vực mậu dịch nước ngoài (National Association of Foreign Trade-Zones, viết tắt: NAFTZ) – ông Jeffrey J. Tafel cho biết, kể từ kỳ bầu cử tổng thống năm 2024, số lượng thành viên NAFTZ tăng mạnh và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Số đơn đề xuất tham gia mới thậm chí tăng từ 2 đến 4 lần so với thông thường, một phần do lo ngại các chính sách thuế sẽ tiếp tục kéo dài. Chủ tịch Hiệp hội này nhận định, khi các chính sách thuế quan thay đổi chóng mặt, nhiều công ty tìm đến FTZ để trì hoãn việc đóng thuế, đặc biệt với những lô hàng đã được đặt mua trước khi biết đến mức thuế mới.
Đồng quan điểm, phát ngôn viên của Tập đoàn kinh doanh quốc tế A.P. Moller-Maersk (Maersk) tại Bắc Mỹ - bà Chelsea Pavona Gardner nhận định, những thay đổi gần đây đã khiến FTZ trở nên hấp dẫn hơn khi các chương trình hoàn thuế hoặc khôi phục thuế không thể áp dụng cho các mức thuế quan mới. Bà Gardner cho rằng, nhiều công ty từng bỏ qua FTZ nay đã coi đây là giải pháp chiến lược tiềm năng. Trong khi đó, Giám đốc bộ phận hải quan và thương mại tại Maersk – bà Janet Labuda nói có những khách hàng đang trì hoãn quyết định nhập khẩu trong vòng 30 ngày để theo dõi diễn biến chính sách. Một số khác lại đưa hàng hóa vào kho ngoại quan, chờ cơ hội rút ra vào thời điểm thuế thấp hơn.
Khu thương mại tự do và kho ngoại quan là những khu vực đặc biệt được Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ phê duyệt, giúp hàng hóa được lưu trữ hoặc sản xuất mà không bị đánh thuế ngay lập tức (Nguồn: Facebook “U.S. Customs and Border Protection”)
Mặc dù FTZ là giải pháp hấp dẫn, nhưng như đã đề cập chi phí để thành lập, từ việc thuê dịch vụ chuyên nghiệp để xử lý giấy tờ, đào tạo nhân sự đến đầu tư hệ thống vận hành hiệu quả, cũng không hề rẻ. Theo phát ngôn viên Maersk Gardner, việc sử dụng FTZ không phụ thuộc vào ngành nghề mà vào quy mô nhập khẩu. Điển hình như ở Hoa Kỳ, ngành thường xuyên tìm đến nó là hàng tiêu dùng, ô tô, hàng không và điện tử. Ngoài ra, FTZ còn hỗ trợ nhà máy sản xuất, cho phép nộp thuế theo mức thấp hơn của thành phẩm thay vì linh kiện, loại trừ thuế với vật liệu không sử dụng hoặc hàng tái xuất.
Kane Nguyen