(TAP) - Trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế đối ứng 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi nối lại đối thoại và đề xuất một cơ chế thuế quan mới "0% đổi 0%" đối với hàng hóa công nghiệp giữa hai nền kinh tế lớn.
Thông cáo báo chí bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 07/4 (giờ địa phương), bà Von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi đã trao đổi về những tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ. Chính sách không chỉ tạo gánh nặng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Hoa Kỳ, mà còn kéo theo hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Các nước đang phát triển bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Đây có thể xem là bước ngoặt trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, EU vẫn giữ thiện chí đối thoại.”
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Nguồn: Ảnh cắt từ video phát trực tiếp cuộc họp báo ngày 07/4 trên website Ủy ban châu Âu (EC)
Bà cho biết EU đề xuất loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp – một mô hình mà khối này triển khai hiệu quả với nhiều đối tác thương mại khác. Bà Von der Leyen nói thêm: “Châu Âu luôn sẵn sàng cho một thỏa thuận công bằng. Đề xuất của chúng tôi vẫn đang nằm trên bàn đàm phán. Song song đó, chúng tôi cũng chuẩn bị các biện pháp đáp trả phù hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng và hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ sự dịch chuyển dòng thương mại”.
Để chủ động ứng phó, EU sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm giám sát hoạt động nhập khẩu, phối hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu và bằng chứng cần thiết cho quá trình hoạch định chính sách. Chủ tịch EC khẳng định: “Chúng tôi sẽ duy trì các kênh liên lạc thường xuyên để đảm bảo mọi biện pháp được triển khai gây thiệt hại thấp nhất có thể cho cả hai bên”.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 07/4. Nguồn: Ảnh cắt từ video phát trực tiếp trên facebook “The White House”
Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như vẫn chưa tỏ ra hài lòng với đề xuất nói trên. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 07/4, ông thẳng thừng bác bỏ ý tưởng áp dụng mức thuế suất “0% đổi 0%” đối với các mặt hàng công nghiệp mà Liên minh châu Âu (EU) đưa ra. Tổng thống Trump cho rằng đề xuất do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nêu cùng ngày là "chưa đủ". Ông nhấn mạnh EU cần tăng cường nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Hoa Kỳ nếu muốn tránh các biện pháp thuế quan mới, có thể áp dụng với ô tô và thiết bị máy móc. Bên cạnh đó, Tống thống Trump cũng bác bỏ mọi lời kêu gọi trì hoãn hoặc điều chỉnh chính sách thuế hiện hành, bất chấp việc các quan chức hai bên đang tiến hành đàm phán.
Từ lâu, mối quan hệ giữa EU và Hoa Kỳ được ví như huyết mạch của kinh tế thế giới. Theo dữ liệu từ EC, hai nền kinh tế chiếm gần 30% tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, đóng góp 43% GDP thế giới (tính theo USD). Về đầu tư, EU và Hoa Kỳ hiện là những đối tác lớn nhất của nhau. Khoảng một phần ba dòng vốn FDI từ EU được rót vào thị trường Hoa Kỳ, trong khi lượng đầu tư từ phía Hoa Kỳ vào châu Âu cao gấp bốn lần so với toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, khoản đầu tư mà EU dành cho Hoa Kỳ cũng gần gấp 10 lần tổng vốn đầu tư vào cả Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại.
Biểu đồ cho thấy thương mại hàng hóa và dịch vụ EU - Hoa Kỳ phát triển như thế nào từ năm 2013 đến năm 2023. Nguồn: EC
Hoạt động thương mại và đầu tư giữa EU và Hoa Kỳ không chỉ đóng vai trò xương sống trong quan hệ kinh tế song phương mà còn góp phần duy trì hàng triệu việc làm trên cả hai bờ Đại Tây Dương. Xuất khẩu từ Hoa Kỳ sang thị trường châu Âu đang trực tiếp hỗ trợ sinh kế cho khoảng 2,3 triệu lao động tại EU. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư và hoạt động tại Hoa Kỳ tạo ra cơ hội việc làm cho khoảng 3,4 triệu người dân bản địa.
Biểu đồ so sánh nguồn cung cấp khí đốt từ các đối tác chính cho EU năm 2021 với năm 2024. Nguồn: EC
Hơn nữa, sau xung đột Nga – Ukraine, hợp tác năng lượng giữa hai bên trở nên đặc biệt quan trọng. Hoa Kỳ trở thành nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chủ lực cho châu Âu. Riêng năm 2024, EU nhập khẩu hơn 45 tỷ mét khối (bcm) LNG từ Hoa Kỳ, tương đương 16,5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khối và gần 45% tổng lượng LNG nhập khẩu. Đây là những minh chứng rõ nét cho sự gắn kết sâu rộng và mang tính thiết thực của mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương.
Phương Vi