(TAP) - Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi và sớm nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Theo thông tin từ Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, chiều ngày 15/4 (giờ Việt Nam), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có cuộc điện đàm với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, bà Kaja Kallas. Cuộc trao đổi tập trung vào quan hệ Việt Nam – EU cùng những vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Lãnh đạo hai phía đánh giá cao những bước tiến tích cực trong hợp tác song phương sau 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại và đầu tư. Những kết quả này tạo nền tảng vững chắc để hai bên hướng tới một giai đoạn hợp tác sâu rộng hơn. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và Phó Chủ tịch EC Kaja Kallas nhất trí rằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sau gần 5 năm đi vào thực thi, mang lại động lực mới cho thương mại song phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn điện đàm với Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Đại diện cấp cao EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas. Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam
Về phần mình, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề xuất Việt Nam – EU tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và triển khai hiệu quả EVFTA, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức. Ông đồng thời đề nghị EC sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành thủy sản tiếp cận thị trường châu Âu.
Phó Thủ tướng Nhấn mạnh EU là một đối tác quan trọng của Việt Nam và kêu gọi đẩy nhanh quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), tạo cú hích mới cho hợp tác đầu tư song phương. Ông cũng bày tỏ mong muốn EU tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm tại Việt Nam. Điển hình như hạ tầng, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Về cuộc điều tra chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị phía EU tiếp cận vấn đề một cách khách quan, công bằng.
Bà Kaja Kallas - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh. Nguồn: Facebook “Kaja Kallas”
Đáp lại, Phó Chủ tịch EC Kaja Kallas ghi nhận, đánh giá cao các đề xuất của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn. Bà cho biết EU luôn tiếp cận các vấn đề thương mại dựa trên luật lệ và đặc biệt tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bà nhất trí rằng hai bên cần tiếp tục tận dụng hiệu quả EVFTA, đẩy mạnh hợp tác vào thời gian tới. Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của EU tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bà Kaja Kallas bày tỏ mong muốn hai bên sớm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Về các vấn đề quốc tế, hai bên tái cam kết quan điểm chung: mọi xung đột và tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn tích cực đóng góp vào các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trân trọng mời Phó Chủ tịch EC Kaja Kallas sớm thu xếp chuyến thăm chính thức tới Việt Nam.
Ảnh minh họa
EU bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa bối cảnh cả hai bên đang đối mặt những thách thức thương mại đáng kể, đặc biệt là các biện pháp thuế đối ứng từ phía Hoa Kỳ. Việt Nam và Liên minh Châu Âu chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1990 và đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào năm 2019, có hiệu lực từ tháng 8/2020. Kể từ khi EVFTA được thực thi, quan hệ thương mại Việt Nam - EU có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 72,3 tỷ USD. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã vượt qua 24,69 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 15,37% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu quan hệ giữa EU và Việt Nam được nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai bên sẽ có cơ hội mở rộng hợp tác ở một tầm cao mới, bao gồm các lĩnh vực quan trọng như: an ninh, chuyển đổi xanh, công nghệ số và chuỗi cung ứng bền vững,...Từ đó giúp hai bên ứng phó hiệu quả những thách thức địa chính trị, kinh tế đầy biến động hiện nay.
Trang Thanh