(TAP) - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới đây cảnh báo, việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực quốc phòng Hoa Kỳ. CSIS cho rằng, nếu nguồn cung đất hiếm trung bình và cực hiếm bị gián đoạn, Washington, D.C sẽ không có nguồn cung thay thế trong ngắn hạn.
Như TAP News thông tin, vào ngày 2/4 – thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, Bắc Kinh đã công bố các hạn chế mới đối với 02 nguyên tố đất hiếm và các loại nam châm được dùng trong công nghệ quốc phòng, năng lượng và ô tô. Theo chính sách này, các doanh nghiệp phía đất nước tỷ dân phải xin giấy phép đặc biệt khi xuất khẩu samarium, gadolinium, terbi, dysprosi, luteti, scandi và yttri. Mặc dù chưa rõ Trung Quốc sẽ thực hiện quy trình cấp phép như thế nào, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies, viết tắt: CSIS) cảnh báo, việc phát sinh thủ tục trong bối cảnh leo thang căng thẳng có khả năng dẫn đến tạm dừng xuất khẩu, gia tăng nguy cơ làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng cho các công ty Washington, D.C. Một số nguồn tin từ tờ CNBC News cho biết, việc tạm dừng xuất khẩu đã bắt đầu diễn ra.
Chuyên gia quốc tế lo ngại đất hiếm dùng trong trong sản xuất máy bay chiến đấu, tên lửa, hệ thống radar, tàu ngầm và máy bay không người lái của Hoa Kỳ có nguy cơ bị đứt gãy nguồn cung (Nguồn: Center for Strategic and International Studies)
Việc Trung Quốc nắm giữ gần như độc quyền về đất cực hiếm khiến Hoa Kỳ đặc biệt dễ tổn thương, nhất là khi những nguyên tố này đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất máy bay chiến đấu, tên lửa, hệ thống radar, tàu ngầm và máy bay không người lái. CSIS nhận định, chính quyền ông Donald Trump hiện chưa có cơ sở tách đất hiếm quy mô lớn, dù các dự án đang được triển khai. Bộ Quốc phòng (Department of Defense) Hoa Kỳ đặt mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn chỉnh phục vụ quốc phòng vào năm 2027. Kể từ năm 2020 – tức nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, ghi nhận Chính phủ đã đầu tư hơn 439 triệu USD vào phát triển các cơ sở chế biến đất hiếm trong nước. Tuy nhiên, CSIS cho rằng sản lượng trong tương lai vẫn khó có thể bắt kịp Trung Quốc cũng như cách xa mục tiêu tự chủ nguồn cung.
Cũng theo CNBC News, Trung Quốc cũng đưa 16 thực thể của Hoa Kỳ – phần lớn thuộc lĩnh vực quốc phòng và hàng không, vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Điều này khiến các công ty bị hạn chế tiếp cận các vật liệu như đất hiếm dùng trong cả dân sự lẫn quân sự. Chuyên gia tại CSIS cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, khoảng cách công nghệ quân sự giữa đôi bên có nguy cơ bị nới rộng. Báo cáo dẫn lời một quan chức Không quân Mỹ (U.S. Air Force) năm 2022 nhận định, Bắc Kinh đang phát triển hệ thống vũ khí nhanh hơn Washington, D.C từ 05 – 06 năm. Trước mối lo đó, không chỉ Nhà Trắng mà nhiều quốc gia như Úc và Brazil cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào chuỗi cung ứng đất hiếm nội địa. CSIS khuyến nghị Washington cần hỗ trợ tài chính và ngoại giao để thúc đẩy các sáng kiến này, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hoa Kỳ được khuyến nghị nên tìm kiếm các đối tác khác về đất hiếm để giảm sự phụ thuộc công nghiệp quốc phòng vào Trung Quốc (Nguồn: Facebook “U.S. Department of Defense”)
Mặc dù vậy, tổ chức nghiên cứu quốc tế này cũng cảnh báo, chính sách cấp phép xuất khẩu mới của Trung Quốc có thể khiến một số quốc gia chọn hợp tác với Bắc Kinh nhằm đảm bảo nguồn cung riêng, thay vì liên kết với Hoa Kỳ. Nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics (phân tích dữ liệu) – ông Theo Neil Shearing nhận định, việc Bắc Kinh kiểm soát đất hiếm là một phần trong chiến lược đối đầu với Washington, D.C. Chuyên gia nhận định việc sử dụng quyền lực khoáng sản như một công cụ chính trị sẽ là đặc điểm nổi bật trong nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động như hiện nay.
Kelvin Huynh