logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Khủng hoảng tài chính, Forever 21 nộp đơn xin phá sản

Ngày đăng: 17/3/2025

(TAP) - Thế giới bán lẻ tiếp tục chứng kiến sự biến động lớn khi Forever 21 - thương hiệu thời trang nhanh từng một thời làm mưa làm gió lại một lần nữa phải nộp đơn xin phá sản. Đây là lần thứ hai trong vòng sáu năm thương hiệu này rơi vào khủng hoảng tài chính phản ánh sự suy giảm của các trung tâm thương mại và sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Khủng hoảng tài chính, Forever 21 nộp đơn xin phá sản

Danh sách đệ đơn phá sản có tên F21 OpCo do Tòa án Delaware công bố

Theo hồ sơ được F21 OpCo - công ty vận hành các cửa hàng Forever 21 tại Hoa Kỳ đệ trình lên Tòa án Delaware, doanh nghiệp này đang sở hữu tài sản trị giá khoảng 100-500 triệu USD nhưng gánh khoản nợ khổng lồ từ 1 - 5 tỷ USD. Với số chủ nợ lên đến 10.001 - 25.000, Forever 21 dự kiến tiến hành thanh lý hàng hóa tại hệ thống cửa hàng, đồng thời tìm kiếm các phương án bán lại một phần hoặc toàn bộ tài sản dưới sự giám sát của tòa án. Hiện các cửa hàng và website của hãng tạị Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hoạt động trong khi hệ thống cửa hàng quốc tế không bị ảnh hưởng.

Được thành lập vào năm 1984 bởi vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang, Forever 21 nhanh chóng trở thành biểu tượng của thời trang giá rẻ dành cho giới trẻ. Vào thời kỳ hoàng kim, thương hiệu này đạt doanh thu hơn 4 tỷ USD mỗi năm, tuyển dụng hơn 43.000 nhân viên và sở hữu hàng trăm cửa hàng trên toàn cầu. Tuy nhiên, bước mở rộng quá nhanh trong bối cảnh ngành bán lẻ đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng số đã đẩy Forever 21 vào thế khó. Cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ thương mại điện tử như Shein, Zara hay H&M cùng sự suy giảm lượng khách đến trung tâm thương mại khiến mô hình kinh doanh của hãng dần lỗi thời.

Khủng hoảng tài chính, Forever 21 nộp đơn xin phá sản

Website của hãng Forever 21 tạị Hoa Kỳ

Theo các nguồn tin quốc tế, sau lần phá sản đầu tiên vào năm 2019, Forever 21 được liên doanh Sparc gồm Authentic Brands Group, Simon Property và Brookfield Asset Management mua lại. Đến năm 2025, Sparc tiếp tục sáp nhập với chuỗi bán lẻ JCPenney hình thành Catalyst Brands. Đến nay, thương hiệu Forever 21 có khoảng 350 cửa hàng tại Hoa Kỳ với nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ thuộc Authentic Brands Group, trong khi các cửa hàng và hoạt động thương mại điện tử do F21 OpCo (thuộc Catalyst Brands) điều hành.

Việc Forever 21 một lần nữa gục ngã trước làn sóng thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng cho thấy rằng trong kỷ nguyên số, ngay cả những “ông lớn” một thời cũng không tránh khỏi áp lực phải thích nghi hoặc bị đào thải.

Viet Anh

Loading comments...

Bài viết liên quan

mới nhất

Quảng cáo

Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px