logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Lễ cúng rừng của người Mông - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày đăng: 4/3/2025

(TAP) - Mỗi độ xuân về, khi hoa rừng bắt đầu khoe sắc, đồng bào Mông tại xã Nà Hẩu (tỉnh Yên Bái, Việt Nam) sẽ tiến hành tổ chức Lễ cúng rừng – hay Lễ "Tri lồng" trong tiếng Mông. Đây là một trong những nghi thức tín ngưỡng quan trọng bậc nhất của cộng đồng dân tộc Mông, thể hiện lòng biết ơn thiên nhiên, gửi gắm khát vọng về một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no.

Lễ cúng rừng của người Mông - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghi lễ cúng thần rừng. Nguồn: Cổng thông tin Tổng cục Du lịch Việt Nam

Theo tư liệu đăng tải trên Cổng thông tin tỉnh Yên Bái, với người Mông, rừng không chỉ là nguồn sống mà còn là không gian linh thiêng, nơi trú ngụ của thần linh bảo hộ cuộc sống con người. Tại xã Nà Hẩu, rừng cấm của ba thôn Trung Tâm, Bản Tát, Ba Khuy linh thiêng bậc nhất với các cây táu cổ thụ sừng sững giữa đại ngàn mang trong mình sức sống bền bỉ, sự chở che vĩnh cửu của đất trời. Những khu rừng này gắn liền với các truyền thuyết kỳ bí, được gìn giữ nghiêm ngặt như một minh chứng cho lòng thành kính đối với tự nhiên.

Dù lễ cúng rừng diễn ra vào cuối tháng Giêng nhưng công tác chuẩn bị đã bắt đầu từ giữa tháng. Người dân cùng nhau họp bàn, đóng góp quỹ mua lễ vật, vào rừng chọn cây và dựng lại bàn thờ nếu cần. Nơi cử hành nghi lễ là khoảng đất rộng dưới gốc cây táu lớn nhất – nơi chốn trú ngụ của Thần rừng (Sênh hán giống). Nghi lễ chính chia thành hai phần: cúng sống và cúng chín. 

Lễ cúng rừng của người Mông - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ vật dâng cúng Lễ cúng rừng của người Mông. Nguồn: Cổng thông tin tỉnh Yên Bái

Lễ vật dâng cúng gồm lợn đen, gà trống, gà mái, xôi ngũ sắc, rượu và tiền vàng mã. Bàn thờ được dựng bằng gỗ táu, mái lợp lá cọ, trang trí vải trắng, hương, vàng mã và hoa giấy. Thầy cúng cùng các phụ lễ tiến hành các nghi thức khấn vái, dâng lễ cầu mong thần linh phù hộ cho dân bản một năm an lành, mùa màng bội thu. Bên cạnh mang giá trị tín ngưỡng sâu sắc, lễ cúng rừng còn biểu trưng cho sự gắn kết cộng đồng, tinh thần bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. 

Lễ cúng rừng của người Mông - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sau nghi lễ, cả bản cùng quây quần bên mâm cỗ. Nguồn: Cổng thông tin tỉnh Yên bái

Sau nghi lễ, cả bản cùng quây quần bên mâm cỗ, chia sẻ niềm vui năm mới và tham gia các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đánh quay, ném pao, múa khèn. Ngoài ra, vào dịp này, người dân nơi đây còn phát động phong trào trồng rừng và tổ chức bầu tổ tự quản bảo vệ rừng. Đặc biệt, khi kết thúc lễ hội, người dân sẽ không vào rừng trong ba ngày để tạ ơn thần linh.

Những năm gần đây, nghi lễ cúng rừng của đồng bào Mông thu hút nhiều sự quan tâm của du khách, trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn bởi nét độc đáo, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Được tổ chức đều đặn qua các thế hệ, nghi lễ ngày càng khẳng định sức sống bền bỉ của một phong tục độc đáo, nơi con người gửi gắm niềm tin vào sự che chở của thần linh và khát vọng về một cuộc sống an lành, bền vững.

Lễ cúng rừng của người Mông - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ trao quyết định chứng nhận Lễ cúng rừng của người Mông tại xã Nà Hẩu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam

Lễ cúng không chỉ là niềm tự hào của người Mông mà còn là một di sản chung của dân tộc, minh chứng cho mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Trước giá trị to lớn của nghi lễ, ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3980/QĐ-BVHTTDL, công nhận Lễ cúng rừng của người Mông tại xã Nà Hẩu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tối ngày 26/2/2025, lễ trao quyết định chứng nhận chính thức diễn ra, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Trang Thanh

Loading comments...

Bài viết liên quan

mới nhất

Quảng cáo

Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px