(TAP) - Mặc dù mức thuế theo từng quốc gia của Tổng thống Donald Trump tạm thời được gỡ bỏ, việc áp thuế 25% đối với xe nhập khẩu vẫn được giữ nguyên, khiến ngành công nghiệp này lao dốc. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ thiệt hại nặng nề, với chi phí tăng hơn hàng trăm tỷ USD và doanh số xe giảm hàng triệu chiếc.
Theo phân tích từ công ty quản lý chiến lược Boston Consulting Group (BCG), thuế quan làm chi phí ngành ô tô tăng thêm từ 110 - 160 tỷ USD/năm. Ước tính này bao gồm tác động từ thuế 25% với xe nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 3/4, cũng như thuế tương tự áp dụng cho phụ tùng ô tô bắt đầu từ ngày 3/5. BCG cho rằng, khoảng 20% doanh thu từ thị trường xe mới tại Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giám đốc toàn cầu về ô tô và di động của BCG – ông Felix Stellmaszek quan ngại, ngành ô tô đang đứng trước một trong những bước ngoặt lớn nhất lịch sử, không chỉ do chi phí tăng, mà còn bởi sự dịch chuyển trong phương thức và địa điểm sản xuất. Đồng thời, đại diện BCG quan ngại, thay đổi này có thể kéo dài – đồng nghĩa với những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Các hãng xe tại Hoa Kỳ, điển hình như Ford Motor Company có thể phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh (Nguồn: X “@Ford”)
Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (Center for Automotive Research, viết tắt: CAR) tại Michigan nói, chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, các hãng xe nhiều khả năng phải gánh thêm 107,7 tỷ USD chi phí phát sinh từ thuế qua. Trong đó, có 41,9 tỷ USD thuộc về ba hãng lớn ở thành phố Detroit (bang Michigan) là General Motors Corporation, Ford Motor Company và Stellantis N.V. Mặc dù trong hầu hết trường hợp, một số chi phí phát sinh có thể được xem xét bởi các nhà sản xuất, các chuyên gia đều đồng thuận rằng, nó có nguy cơ bị chuyển sang cho người tiêu dùng ở Hoa Kỳ - đồng nghĩa mức giá sẽ tăng cao. Nhà phân tích từ Goldman Sachs (ngân hàng đầu tư) – ông Mark Delaney dự báo, giá xe mới sẽ tăng từ 2.000 - 4.000 USD trong vòng 6 - 12 tháng tới. Chuyên gia lo ngại, ngành ô tô khó có thể hấp thụ hoàn toàn chi phí này, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng giảm.
Phản ứng trước tình hình trên, theo CNBC News, một số hãng xe như Jaguar Land Rover đã tạm ngừng giao hàng hoặc cam kết không tăng giá trong ngắn hạn, điển hình là Hyundai Motors. Trong khi đó, Ford Motor Company và Stellantis N.V lại công bố chính sách giá tạm thời cho nhân viên để đối phó với biến động. Mặc dù vậy, dữ liệu khảo sát từ Đại học Michigan (University of Michigan) cho thấy, tâm lý tiêu dùng trong tháng 4 giảm mạnh hơn dự kiến, khi những lo ngại về lạm phát hiện đã chạm mức cao nhất kể từ năm 1981. Phó Chủ tịch phân tích tại Telemetry (công ty tư vấn) – ông Sam Abuelsamid ước tính, lượng xe bán ra hàng năm tại Hoa Kỳ và Canada có thể giảm khoảng 2 triệu chiếc do chi phí tăng, ảnh hưởng lan rộng đến cả nền kinh tế. Đại diện Telemetry khuyến nghị, các hãng có thể tận dụng nguồn hàng chưa chịu thuế trong khoảng 02 tháng tới trước khi bắt buộc phải tăng giá để giải quyết vấn đề trước mắt.
Bên cạnh đó, khả năng chi trả cho xe mới và xe cũ cũng là luôn nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng trong nhiều năm. Theo Cox Automotive (dịch vụ bảo dưỡng xe), chưa tính chi phí tài chính, giá trung bình xe mới gần đây đã chạm mốc 50.000 USD. Lãi suất cho vay ô tô hiện cũng ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, với 9,64% cho xe mới và gần 15% cho xe cũ. Chuyên gia kinh tế trưởng của Cox Automotive Inc (Cox) – ông Jonathan Smoke cho rằng, ngành ô tô sẽ chứng kiến mức chiết khấu giảm dần và giá tăng nhanh do nguồn cung thắt chặt sau khi thuế có hiệu lực. Đại diện Cox dự đoán sản lượng, doanh số ô tô trong nước sẽ giảm, giá xe qua sử dụng tăng và một số mẫu xe có nguy cơ bị loại bỏ. Cox cũng ước tính, mức thuế 25% sẽ khiến giá xe nhập khẩu tăng khoảng 6.000 USD, trong khi xe lắp ráp nội địa tăng khoảng 3.600 USD do thuế phụ tùng. Ngoài ra, chi phí thép và nhôm tăng thêm từ 300 - 500 USD/xe được cho sẽ này càng khiến tình hình trở nên phức tạp.
Chuyên gia quan ngại, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ có thể phải trả chi phí cao hơn để mua ô tô do thuế quan ảnh hưởng đến linh kiện sản xuất nhập khẩu (Nguồn: Facebook “U.S. Department of Transportation”)
Tiger Vu