(TAP) – Trong số các hoạt động thương mại bị Nhà Trắng cho là thiếu công bằng hoặc phân biệt đối xử, “thuế giá trị gia tăng” (VAT) được ông Donald Trump đánh giá mang tính trừng phạt hơn nhiều. Tuy nhiên, tuyên bố này lập tức vướng phải sự phản ứng của các chuyên gia kinh tế, những người có quan điểm trái ngược.
Như TAP News thông tin, kỳ hạn 2/4 (giờ địa phương) đang đến gần và Tổng thống Donald Trump đang có kế hoạch công bố “thuế quan qua lại” (reciprocal tariffs) để trả đũa hoạt động thương mại bị lãnh đạo Nhà Trắng xác định là thiếu công bằng hoặc phân biệt đối xử với Washington, D.C. Bên cạnh đó, theo một thông cáo báo chí vào tháng trước (2/2025), ông Donald Trump nhận định, “thuế giá trị gia tăng” (unveil reciprocal tariffs, viết tắt: VAT) cũng là một hoạt động thương mại không công bằng, đồng thời mang tính trừng phạt hơn nhiều so với thuế quan. Tuy nhiên, tuyên bố này chưa nhận được sự đồng tình từ các nhà kinh tế học.
Nhà Trắng xác định, thuế giá trị gia tăng là hoạt động thương mại thiếu công bằng (Nguồn: White House)
Theo CNBC News, VAT là loại thuế đánh vào tiêu dùng trong nước, giống như “thuế bán lẻ” (retail sales taxes) do chính quyền tiểu bang và địa phương Hoa Kỳ áp dụng. Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (National Bureau of Economic Research) dẫn lời nhà kinh tế thuộc Đại học California (University of California) tại Santa Barbara nhận định, VAT là thuế tiêu dùng phổ biến nhất trên thế giới, được hơn 80% quốc gia áp dụng. Ủy ban Châu Âu (European Commission) ghi nhận có hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới sử dụng VAT.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development, viết tắt: OECD) nói rằng, Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trong OECD sử dụng thuế bán lẻ (thay vì VAT) làm loại thuế tiêu dùng chính. Tax Foundation cho biết, mức thuế bán hàng trung bình của tiểu bang và địa phương tại Hoa Kỳ khoảng 7,5%. Thuế suất VAT thay đổi tùy theo quốc gia, mặc dù hầu hết các nước châu Âu (EU) thường tính khoảng 20%. Trong đó, mức VAT thấp nhất được ghi nhận ở Thụy Sĩ (8,1%) và cao nhất tại Hungary (27%).
Nhà kinh tế học, kiêm Phó Chủ tịch chính sách thuế liên bang tại Tax Foundation – bà Erica York cho rằng không hợp lý nếu áp thuế đối tác thương mại của Hoa Kỳ để đáp trả VAT. Chuyên gia này nói VAT không làm “méo mó” (distort) hoạt động thương mại”, nó không phải biện pháp bảo hộ, vì vậy không có ý nghĩa gì khi trả đũa. Mặc dù vậy, phạm vi chính xác của thuế quan qua lại vẫn chưa rõ ràng. Trong những tuần gần đây, TAP News từng thông tin cho biết, ông Donald Trump đã giảm bớt căng thẳng khi gợi ý có thể linh hoạt về thuế quan qua lại, bất chấp nó sẽ bắt đầu với tất cả các quốc gia.
Chuyên gia cho rằng, thuế VAT trung lập về mặt thương mại, nói Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép các nước điều chỉnh thuế này tại biên giới (Nguồn: U.S Bureau of Labor Statistics)
Nhà kinh tế Bắc Mỹ tại Capital Economics – ông Bradley Saunders giải thích rằng, VAT hoàn toàn khác với thuế quan. Chuyên gia nói, VAT không phân biệt giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu, tức là tất cả hàng hóa đều chịu thuế giống nhau khi bán ra. Trong khi đó, thuế quan – loại thuế được quốc gia áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu, lại phân biệt rõ rệt giữa hàng nội địa và hàng hóa từ nước ngoài, tạo ra rào cản nhất định đối với hàng nhập khẩu. Đồng quan điểm, hai nhà nghiên cứu khác tại Đại học California nhận định, thuế VAT – theo cách đang được vận hành, dường như trung lập về thương mại, nhấn mạnh Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization) vẫn cho phép các nước điều chỉnh thuế này tại biên giới.
Kane Nguyen