(TAP) - Trong khi Myanmar vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các trận động đất, Nhật Bản vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra siêu động đất rãnh Nankai trong vòng 30 năm tới có thể cướp đi sinh mạng của 298.000 người và gây thiệt hại kinh tế lên đến 2.000 tỷ USD.
Theo báo cáo do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 31/3 (giờ địa phương), nếu siêu động đất xảy ra, 764 huyện thuộc 31 trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản sẽ hứng chịu rung chấn mạnh ở cấp 6 trên thang địa chấn 7 cấp của nước này. Sóng thần cao từ 3 m trở lên sẽ đổ bộ vào nhiều khu vực ven biển, trong đó 13 tỉnh từ vùng Kanto đến Kyushu đối diện nguy cơ sóng thần vượt 10 m. Một số khu vực ven biển có thể chỉ có từ 5 đến 10 phút để sơ tán trước khi sóng thần ập đến, khiến việc ứng phó trở nên vô cùng khó khăn. Ước tính, 215.000 người có thể thiệt mạng do sóng thần, 73.000 người do sập nhà và 9.000 người do hỏa hoạn. Ngoài ra, các ca "tử vong liên quan đến thảm họa" do tình trạng sức khỏe xấu đi trong các nơi tạm trú cũng được dự báo từ 26.000 đến 52.000 trường hợp.
Hình ảnh mô tả khu vực dự đoán sẽ là tâm chấn của một trận động đất lớn có cường độ 9,1 độ richter dọc theo rãnh Nankai. Nguồn: Trung tâm Thúc đẩy Nghiên cứu Động đất Nhật Bản
Được biết, rãnh Nankai nằm ngoài khơi Thái Bình Dương, kéo dài khoảng 900 km từ tỉnh Shizuoka đến vùng biển Hyuga Nada. Đây là nơi giao nhau giữa mảng biển Philippines và mảng Á - Âu, nơi hai mảng kiến tạo này va chạm và tích tụ năng lượng theo chu kỳ từ 100 đến 150 năm. Khi áp lực vượt quá giới hạn, sự giải phóng năng lượng đột ngột có thể gây ra những trận động đất cực mạnh. Trong lịch sử, rãnh Nankai từng gây ra nhiều trận động đất nghiêm trọng, bao gồm trận động đất Nankai năm 1946 và động đất Tonankai năm 1944 làm hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Từ tháng 1/2025, Ủy ban điều tra động đất Nhật Bản đã nâng mức dự báo nguy cơ xảy ra động đất cường độ 8 - 9 độ Richter trong 30 năm tới từ "70 - 80%" lên "khoảng 80%". Hiện tại, chính phủ Nhật Bản đã chỉ định 29 tỉnh và 707 thành phố, thị trấn, làng mạc là "khu vực ưu tiên" trong công tác phòng chống thiên tai. Các biện pháp đang được triển khai bao gồm: xây dựng và nâng cấp hệ thống đê chắn sóng, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng các tòa nhà và hạ tầng chống động đất, tổ chức diễn tập ứng phó thường xuyên. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu do giáo sư danh dự Nobuo Fukuwa của Đại học Nagoya dẫn đầu đã tiến hành nghiên cứu từ tháng 4/2023, kết hợp dữ liệu địa chấn, mô hình sóng thần và phòng cháy chủ động. Các ước tính thiệt hại đã được điều chỉnh dựa trên bài học từ trận động đất tại Bán đảo Noto.
Bản đồ 707 thành phố ở 29 tỉnh được chỉ định là "khu vực thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa thảm họa do trận động đất Nankai. Nguồn: Văn phòng nội các Nhật Bản (内閣府)
Dù Nhật Bản được biết đến là quốc gia có hệ thống phòng chống thiên tai tiên tiến hàng đầu thế giới, song nguy cơ siêu động đất tại rãnh Nankai vẫn là một thách thức lớn. Các chuyên gia lo ngại rằng ngay cả khi có hệ thống cảnh báo sớm, tốc độ di chuyển của sóng thần và mức độ rung chấn vẫn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhật Bản tiếp tục hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của người dân trong việc nâng cao ý thức phòng chống thiên tai.
Viet Anh