(TAP) - Các nhà khoa học cảnh báo, người có vòng bụng to, mặc bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao có nguy cơ tăng gấp đôi tổn thương gan khi uống rượu. Không chỉ gây hại gan, nhiều nghiên cứu còn cho thấy, rượu là nguyên nhân gây ra gần 100.000 trường hợp ung thư ở Hoa Kỳ.
Nhận định trên được trích dẫn từ nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tiêu hóa và Gan lâm sàng (Clinical Gastroenterology and Hepatology), với dữ liệu từ gần 41.000 người tham gia cuộc Khảo sát Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (National Health and Nutrition Examination Survey). Theo đó, những người sở hữu vòng eo từ 35 inch trở lên (đối với phụ nữ) và trên 40 inch (với nam giới) thường liên quan đến tình trạng béo phì - một trong những yếu tố chính gây nguy cơ tim mạch, lượng đường trong máu cao và huyết áp cao. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention, viết tắt: CDC) nói rằng, gần một nửa công dân trên khắp đất nước bị huyết áp cao. Trong đó, ghi nhận hơn 1/3 bị tiền tiểu đường, khoảng 40% dân số bị béo phì.
Cũng theo CDC, tình trạng thừa cân góp phần tích tụ mỡ trong gan, gia tăng nguy cơ dẫn đến xơ gan. Truyền thông trong nước (CNN) dẫn lời Giám đốc phòng ngừa tim mạch và sức khỏe tại Bệnh viện Quốc gia Do Thái (National Jewish Health) ở thành phố Denver (tiểu bang Colorado) - Tiến sĩ Andrew Freeman quan ngại, đa số người bệnh không nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề thừa cân trước khi phát hiện bản thân bị tiểu đường, gan nhiễm mỡ. Chia sẻ mối tương quan giữa vấn đề rối loạn đường huyết với các bệnh về gan, chuyên gia nói khi lượng đường trong máu tăng lên, gan sẽ lưu trữ chất béo để loại bỏ đường dư thừa. Chính lượng mỡ thừa này là tác nhân làm suy giảm chức năng gan.
Một số loại đồ uống có cồn (Nguồn: CA.gov)
CNN nói rằng, việc hiểu rõ liên hệ giữa thừa cân với các bệnh tiềm tàng về sức khỏe đặc biệt cần thiết trong bối cảnh vừa diễn ra “Super Bowl” (Siêu cúp bóng bầu dục Hoa Kỳ) - sự kiện được cho là khiến lượng lớn thức ăn giàu chất béo như xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, pepperoni (xúc xích hỗn hợp) và giăm bông được tiêu thụ rộng rãi. Tiến sĩ Andrew Freeman giải thích, khi cơ thể dung nạp nhiều thực phẩm chế biến có hàm lượng chất béo và đường cao, hormone “insulin” sẽ hoạt động quá mức, dẫn đến sinh ra phản ứng kháng insulin, kết quả là đường huyết tăng lên và gan nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, nếu người dùng uống thêm rượu, chất có cồn khi ăn - hành động phổ biến trong các trận bóng lớn, nguy cơ tổn thương gan sẽ tăng lên đáng kể.
Giám đốc Bệnh viện Quốc gia Do Thái nói rằng, uống rượu làm tổn thương các tế bào gan khi cơ thể cố gắng chuyển hóa cồn, dẫn đến tiếp tục tích tụ mỡ bổ sung. Ngoài ra, viêm nhiễm và sẹo do mỡ thừa có thể dẫn đến xơ gan, tăng nguy cơ suy gan và ung thư gan. Dữ liệu khảo sát từ Clinical Gastroenterology and Hepatology tiết lộ, có khoảng 2.200 trường hợp trong tổng số gần 41.000 người tham gia khảo sát được phân loại là nghiện rượu nặng. Ghi nhận phụ nữ uống hơn 0,7 ounce (20 gram) rượu/ngày và ở nam giới mức độ này là hơn 1,05 ounce (30 gram) rượu/ngày. Tuy nhiên, nhận định từ CDC do tờ CNN trích dẫn, thực tế nhiều người đang tiêu thụ đồ uống có hàm lượng cồn vượt mức tiêu chuẩn, nhưng chưa nhận ra. Một đơn vị rượu tiêu chuẩn ở Hoa Kỳ thường chứa 0,6 ounce (14 gram) cồn nguyên chất. Điều này tương đương với 5 ounce (148 ml) rượu vang có 12% cồn; 12 ounce (355 ml) bia có 5% cồn và 1,5 ounce (44 ml) rượu mạnh (80 proof).
Không chỉ gây hại cho gan, nhiều nghiên cứu vào tháng 1 của cựu Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Dr. Vivek Murthy còn cho thấy, rượu là nguyên nhân gây ra gần 100.000 trường hợp ung thư ở Hoa Kỳ, với 1/5 trong số đó (20.000 ca) đã tử vong hàng năm. Con số lớn hơn con mức 13.500 ca tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến tiêu thụ rượu mỗi năm. Mặc dù vậy, phần lớn công dân không nhận thức được nguy cơ, với chỉ 45% người được khảo sát bởi Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (American Institute for Cancer Research) vào năm 2019 tin rằng uống rượu có thể gây ung thư.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ nói rằng, càng uống ít rượu, nguy cơ ung thư của bạn càng thấp (Nguồn: X “@CDC_Cancer”)
Long Peter