(TAP) – Một nhóm gồm các Tổng chưởng lý của 12 tiểu bang đã đệ đơn kiện chung lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn chương trình thuế quan diện rộng của Tổng thống Donald Trump. Nhóm nguyên đơn cho rằng chương trình này vi phạm Hiến pháp vì xâm phạm quyền hạn của Quốc hội trong việc điều hành chính sách thương mại đối ngoại.
Theo truyền thông trong nước (NBC News), đơn kiện do Tổng chưởng lý Arizona – bà Kris Mayes và Tổng chưởng lý Oregon – ông Dan Rayfield đứng đầu. Nội dung cáo buộc ông Donald Trump lạm dụng quyền lực bằng cách dựa vào “Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế” (Emergency Economic Powers Act) để đơn phương áp đặt thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu mà không có sự giám sát của Quốc hội. Cũng trong đơn kiện, các tổng chưởng lý lập luận, việc sử dụng quyền lực khẩn cấp để áp thuế trên quy mô toàn cầu đã làm đảo lộn trật tự hiến pháp và đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế Hoa Kỳ. Họ cho rằng, lãnh đạo Nhà Trắng đã tự trao cho mình thẩm quyền áp đặt các mức thuế “khổng lồ và thay đổi liên tục (immense and ever-changing) trong khi chỉ cần viện dẫn bất kỳ lý do nào, cho nó là khẩn cấp.
Tổng chưởng lý của 12 tiểu bang đã đệ đơn kiện ngăn chặn chương trình thuế quan diện rộng của Tổng thống Donald Trump (Nguồn: Department of Justice)
Tổng chưởng lý Arizona Kris Mayes nói, kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn trái luật. Trong khi đó, Tổng chưởng lý New York – bà Letitia James, người từng nhiều lần công khai chỉ trích ông Trump – cho rằng các mức thuế này sẽ làm gia tăng lạm phát, thất nghiệp, dẫn đến những thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Bà James nhấn mạnh, người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ là đối tượng gánh chịu hậu quả khi phải trả mức thuế nhập khẩu cao hơn. Trước đó như TAP News từng thông tin (16/4), giới chức bang California cũng đã đệ đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ vì quyết định áp thuế quan với đối tác thương mại. Tương tự các tổng chương lý, thời điểm đó, địa phương cho rằng Tổng thống không có quyền làm điều này.
Đáp lại, phát ngôn viên Nhà Trắng – ông Kush Desai cho biết, những người theo đảng Dân chủ (Democrat Party, viết tắt: DP), điển hình như bà James đang đặt ưu tiên cho việc “săn lùng phù thủy” (witch hunt) - một nỗ lực nhằm tìm kiếm và lên án những người có ý kiến không được ưa chuộng, hơn là chăm lo cho lợi ích của cử tri. Cần biết rằng nhóm 12 tổng chưởng lý đệ đơn chung đều đến từ khu vực của DP. Ông Kush Desai khẳng định, chính quyền ông Trump vẫn kiên định sử dụng toàn bộ quyền lực pháp lý để đối phó với các tình trạng khẩn cấp hiện nay, bao gồm vấn đề di cư bất hợp pháp, dòng chảy fentanyl từ biên giới vào quốc gia cũng như thâm hụt thương mại ngày càng tăng.
Nhà Trắng cho rằng các Tổng chưởng lý đệ đơn kiện đến từ khu vực kiểm soát bởi đảng Dân chủ (Nguồn: X “@WhiteHouse”)
Đơn kiện nêu rõ rằng các tuyên bố về “tình trạng khẩn cấp quốc gia” (emergencies our country) được chính quyền ông Trump viện dẫn không thỏa mãn các tiêu chí pháp lý. Theo nguyên đơn, nếu không có lý do xác đáng, việc sử dụng đạo luật này đã vi phạm Điều 1 (Article 1) của Hiến pháp (Constitution) – vốn quy định Quốc hội có quyền duy nhất trong việc “đặt ra và thu thuế, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt” (power to lay and collect taxes, duties, imposts and excises). Nhận định từ NBC News, vụ kiện được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói lưỡng đảng tại Quốc hội muốn giành lại quyền kiểm soát chính sách thương mại từ tay Tổng thống. Hai Thượng nghị sĩ là bà Maria Cantwell (Dân chủ, bang Washington) và ông Chuck Grassley (Cộng hòa, bang Iowa) đang thúc đẩy một dự luật yêu cầu Tổng thống phải thông báo trước cho Quốc hội ít nhất 48 giờ trước khi áp đặt mức thuế mới.
Therion Son