(TAP) - Tết Nguyên Tiêu hay còn gọi là Tết Rằm tháng Giêng (Tết Thượng Nguyên), là một trong những lễ hội quan trọng trong năm mới của các quốc gia theo âm lịch, trong đó có Việt Nam. Lễ hội này thường được tổ chức vào đêm 14 - 15 tháng Giêng hàng năm.
Tết Nguyên Tiêu là lễ hội quan trọng của những quốc gia theo âm lịch (Nguồn TAP News)
Sau những ngày Tết Nguyên Đán khi vẫn còn dư âm không khí lễ hội, Tết Nguyên Tiêu thường được tổ chức để người dân tiếp tục mừng đón năm mới. Ở nhiều vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam, người dân còn tổ chức gói bánh chưng, tham gia hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Nguyên Tiêu nhộn nhịp không thua gì Tết Nguyên Đán. Vì vậy, trong dân gian nước này có lưu truyền câu nói: “Tết cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Không chỉ phổ biến ở Việt Nam, lễ hội Nguyên Tiêu còn được tổ chức long trọng ở nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt tại đất nước tỷ dân, Tết Nguyên Tiêu được coi là một trong những ngày lễ linh thiêng nhất đầu năm, với tên gọi “Lễ hội hoa đăng”. Vào thời điểm này, người dân Bắc Kinh thường trang hoàng nhà cửa bằng những chiếc đèn lồng ngũ sắc cũng như đến chùa để cầu cho một năm mới bình an.
Theo các tài liệu lịch sử Việt Nam, Nguyên Tiêu là lễ hội quan trọng bên cạnh lễ Hạ Nguyên, Trung Nguyên cùng các Tết khác như Nguyên Đán, Thanh Minh, Đoan Dương (Nguồn TAP News)
Không chỉ phổ biến ở Việt Nam, lễ hội Nguyên Tiêu còn được tổ chức long trọng ở nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (Nguồn TAP News)
Thông tin từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia (Việt Nam), xuyên suốt bề dày lịch sử, lễ Thượng Nguyên (tên gọi phổ biến khi đó của Tết Nguyên Tiêu) cũng được các vua triều Nguyễn - một triều đại phong kiến ở Việt Nam đặc biệt coi trọng, xếp vào những lễ tiết quan trọng. Ghi nhận vào năm Minh Mệnh thứ 16 ở nước này (tức khoảng năm 1835), các quan lại đã thảo luận về quy chế tổ chức các lễ nghi trong năm, theo chỉ thị của vua Minh Mệnh. Trong đó, các lễ hội như Thượng Nguyên, Hạ Nguyên, Trung Nguyên, cùng với các Tết khác như Nguyên Đán, Thanh Minh, Đoan Dương đều được tổ chức trang trọng với lễ vật dâng cúng tại miếu và điện Phụng Tiên (đền thờ phụng tổ tiên). Riêng những lễ như Thất Tịch, Trung Thu, Trùng Dương, Đông Chí thường sử dụng hoa quả, trà và nhiều món ăn đặc sản, nhưng lễ Thượng Nguyên và Trung Thu đặc biệt có truyền thống treo đèn suốt đêm để tôn vinh ngày lễ.
Những màn biểu diễn lân leo cột tre là đặc sản không thể thiếu trong các dịp lễ hội truyền thống Việt Nam (Nguồn TAP News)
Tết Nguyên Tiêu không chỉ là dịp để tôn vinh truyền thống mà còn là thời điểm để mọi người nhìn lại, gắn kết và mong cầu một năm hạnh phúc (Nguồn TAP News)
Theo các tài liệu lịch sử Việt Nam, trong triều đại nhà Nguyễn, Hoàng thượng (vua) cũng tham gia trực tiếp vào những nghi lễ quan trọng này. Ví dụ, trong năm Tự Đức thứ 23 (tức năm 1870), một bản phúc trình từ Bộ Lễ (cơ quan hành chính thời phong kiến tại các nước Đông Á) đã mô tả chi tiết về các nghi thức tổ chức lễ Thượng Nguyên, trong đó ghi nhận có sự tham gia của Hoàng thượng và các quan lại triều đình.
Cũng theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia (Việt Nam), ngày nay, mặc dù nhiều nghi thức cúng tế trong Tết Nguyên Tiêu không còn được lưu giữ và truyền thừa như trước, song tục lệ đón Tết Thượng Nguyên vẫn được duy trì ở nhiều nơi. Người dân Việt Nam vẫn thường tổ chức các buổi cúng lễ tại gia đình hoặc tại chùa, cầu nguyện cho một năm mới thuận lợi, an lành, với mong muốn mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào và may mắn trong công việc. Tết Nguyên Tiêu không chỉ là dịp để tôn vinh truyền thống mà còn là thời điểm để mọi người nhìn lại, gắn kết và mong cầu một năm hạnh phúc.
Nhiều món ăn đặc trưng của người Hoa như hột gà trà, bánh bột bán,... được giới thiệu trong lễ hội đón Tết Nguyên Tiêu (Nguồn TAP News)
Người dân tại TP. HCM (Việt Nam) tham gia lễ hội (Nguồn TAP News)
Danny Tran