(TAP) – Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố không có cuộc đàm phán thương mại nào đang diễn ra với Hoa Kỳ, bất chấp những tín hiệu từ phía Washington, D.C trong tuần cho thấy căng thẳng giữa đôi bên có thể dịu bớt. Đồng thời, phía Bắc Kinh cũng yêu cầu ông Trump huỷ bỏ các thuế quan qua lại.
Trao đổi với truyền thông, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc (Ministry of Commerce of the People's Republic of China, viết tắt: MOFCOM) – ông He Yadong khẳng định, nước này hiện hoàn toàn không có bất kỳ cuộc trao đổi nào về kinh tế và thương mại với Hoa Kỳ. Đại diện MOFCOM cho biết, mọi phát ngôn ám chỉ có tiến triển trong các cuộc đàm phán song phương nên bị xem là không chính xác – động thái ám chủ đến tuyên bố gần đây của Tổng thống Donald Trump liên quan đến triển vọng đàm phán đôi bên. Cũng theo người phát ngôn He Yadong, nếu Washington, D.C thực sự muốn giải quyết vấn đề, điều cần thiết là phải dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp thuế quan đang áp lên Bắc Kinh.
Trước đó như TAP News từng thông tin, cả lãnh đạo Nhà Trắng cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính (Department of the Treasury) – ông Scott Bessent đều ngỏ ý muốn tình hình thương mại với Trung Quốc có thể được cải thiện. Tuy nhiên, truyền thông trong nước (CNBC News) nói rằng, những động thái gần đây từ phía Washington, D.C lại đi ngược lại kỳ vọng đó, bao gồm việc chính quyền ông Trump đã quyết định áp thêm mức thuế lên đến 145% đối với hàng hóa Trung Quốc từ đầu tháng này. Đáp lại, Bắc Kinh đã nhanh chóng trả đũa bằng cách gia tăng thuế nhập khẩu và siết chặt hạn chế xuất khẩu các khoáng sản chiến lược. Lập trường cứng rắn của MOFCOM cũng được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao (Ministry of Foreign Affairs of the People's Republic of China) – ông Guo Jiakun lặp lại trong một cuộc họp báo cùng ngày, khi đại diện cơ quan này cho biết không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra.
Mặc dù vậy, cả hai cơ quan chính phủ phía Bắc Kinh này đều nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn sẵn sàng nối lại đối thoại nếu được đối xử một cách bình đẳng. Các chuyên gia nhận định đất nước tỷ dân có lý do để mong muốn hạ nhiệt căng thẳng. Nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại The Economist Intelligence Unit – bà Bà Yue Su cho rằng, cuộc chiến thương mại đang gây tổn thất cho cả hai phía. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, sự thiếu nhất quán trong chính sách của ông Trump khiến Bắc Kinh thay đổi chiến lược, chuyển từ việc ưu tiên giải quyết những gì phía Hoa Kỳ yêu cầu sang tập trung vào lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Yêu cầu dỡ bỏ thuế quan mà nước này chi là “đơn phương” (unilateral) được xem là minh chứng cho cách tiếp cận này.
Trung Quốc bác bỏ thông tin đang đàm phán với Hoa Kỳ, yêu cầu ông Trump huỷ thuế quan qua lại (Nguồn: pexels)
Căng thẳng hiện nay không chỉ giới hạn giữa hai cường quốc hàng đầu khi ghi nhận vào đầu tuần, Trung Quốc cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia có thể ký kết các thỏa thuận với Hoa Kỳ gây phương hại đến lợi ích Bắc Kinh. Cũng theo bà Yue Su, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mà lập trường cứng rắn “bất chấp mọi giá” (whatever it takes) trở thành chủ đạo trong quan hệ song phương. Chuyên gia cho rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt, Bắc Kinh có thể đáp trả mạnh mẽ hơn. Tác động của cuộc đối đầu này đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế. Một số ngân hàng lớn tại Phố Wall đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong những tuần gần đây. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh đang hỗ trợ của chính phủ và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác.
Chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách Trung Quốc đại lục tại Natixis (quản lý tài sản) – ông Jianwei Xu nhận định, từ góc độ Bắc Kinh, bất kỳ cuộc đàm phán hiệu quả nào cũng phải bao gồm việc Hoa Kỳ hạ thuế xuống mức 20% hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, đối với chính quyền ông Trump, việc nhượng bộ quá mức có thể khiến dư luận đặt câu hỏi về mục tiêu thực sự của cuộc chiến thương mại. Bên cạnh đó, tuy Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, nhưng xét trên cơ sở quốc gia riêng lẻ, khu vực Đông Nam Á (ASEAN) hiện đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất tính theo khu vực. Điều này phản ánh sự dịch chuyển trong chiến lược thương mại của Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang.
Chuyên gia nói Bắc Kinh đang tìm kiếm thêm đối tác từ châu Á và châu Âu để chuyển dịch dòng chảy thương mại khỏi Hoa Kỳ (Nguồn: The State Council of the People's Republic of China)
Kelvin Huynh