(TAP) - Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington, D.C và Bắc Kinh tiếp tục leo thang, Trung Quốc mới đây đã nâng thuế đáp trả Hoa Kỳ từ 84% lên 125%. Đây được cho là phản ứng trực tiếp nhằm đáp lại các mức thuế mới do chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố.
Theo truyền thông trong nước – CNBC News ngày 11/4 (giờ địa phương), Bộ Tài chính Trung Quốc (Ministry of Finance of the People's Republic of China) tuyên bố việc Hoa Kỳ tiếp tục tăng thuế sẽ không còn mang ý nghĩa kinh tế. Phía Bắc Kinh cho biết với mức thuế quan mới do nước này công bố, nâng từ 84% lên 125%, hàng hóa Washington, D.C sẽ khó có chỗ đứng trong thị trường đất nước tỷ dân, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục leo thang, Trung Quốc sẽ không quan tâm đến phản ứng đó. Chính quyền Trump đã xác nhận với CNBC rằng, mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh hiện đã chạm ngưỡng 145%. Bao gồm sắc lệnh hành pháp mới nhất tăng thuế lên 125%, cùng với khoản thuế 20% đã được áp dụng khoảng tháng 2 - 3 liên quan đến các sản phẩm có chứa fentanyl.
Bất chấp việc nâng thuế đáp trả Hoa Kỳ lên 125%, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh vẫn sẵn sàng đàm phán với Washington, D.C (Nguồn: Ministry of Commerce of the People's Republic of China)
Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management (công ty quản lý quỹ phòng hộ trụ sở tại Hồng Kông) – ông Zhiwei Zhang tin rằng, đây là điểm kết thúc cho chuỗi leo thang thuế quan song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chuyên gia này lập lập, đôi bên đều đã đưa ra thông điệp rõ ràng và không còn lý do để tiếp tục tăng thuế. Thay vào đó, chuyên gia dự đoán bước tiếp theo sẽ là đánh giá mức độ thiệt hại đối với hoạt động kinh tế ở cả hai quốc gia, trong khi vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc sẽ quay lại bàn đàm phán nhằm tránh những đứt gãy lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bất chấp nhận định của đại diện Pinpoint Asset Management, người phát ngôn Bộ Thương mại (Ministry of Commerce) Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh trong một tuyên bố riêng, rằng Bắc Kinh vẫn sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ trên tinh thần bình đẳng.
Hy vọng về một thỏa thuận thương mại giữa song phương nhanh chóng tan biến sau khi chính phủ Bắc Kinh công bố các biện pháp thuế trả đũa mới và áp dụng thêm những hạn chế với các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào tuần trước. Tuy nhiên, theo nhận định từ CNBC, không giống với những lần trả đũa trước đó, Trung Quốc đã không công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung, cũng như không mở rộng danh sách các thực thể “không đáng tin cậy” (unreliable) - điều từng khiến nhiều công ty phía Washington, D.C đối mặt với hạn chế nghiêm ngặt hơn khi hoạt động tại đất nước tỷ dân.
Chuyên gia cho rằng, GDP Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4% trong năm, do ảnh hưởng từ xung đột thương mại và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại (Nguồn: The State Council of the People's Republic of China)
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs Group, Inc (Goldman Sachs) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (Gross domestic product, viết tắt: GDP) của Trung Quốc xuống còn 4%, do ảnh hưởng từ xung đột thương mại và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Theo các chuyên gia của Goldman Sachs, dù xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 3% tổng GDP của Bắc Kinh, nhưng lĩnh vực này vẫn đóng vai trò quan trọng đối với thị trường lao động. Ước tính có khoảng từ 10 - 20 triệu lao động Trung Quốc đang làm việc trong các ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Linh Line