(TAP) - Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc leo thang, Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa sẽ trả đũa bất kỳ quốc gia nào theo bước Washington, D.C trong việc cô lập nước này. Tuyên bố được đưa ra sau khi có nguồn tin cho biết, chính quyền ông Donald Trump có kế hoạch sử dụng các cuộc đàm phán thuế quan để gây sức ép buộc các đối tác hạn chế giao dịch với đất nước tỷ dân.
Vào ngày 21/4, Bộ Thương mại Trung Quốc (Ministry of Commerce of the People's Republic of China, viết tắt: MOFCOM) tuyên bố kiên quyết phản đối bất kỳ thỏa thuận nào có thể gây tổn hại đến lợi ích nước này. Đồng thời, chính quyền Bắc Kinh khẳng định sẽ có những biện pháp trả đũa tương xứng nếu điều này xảy ra. Trong thông báo, MOFCOM nói luôn sẵn sàng hợp tác với các bên khác và cam kết bảo vệ công lý cũng như sự công bằng trong thương mại toàn cầu. Bắc Kinh cáo buộc Washington, D.C “lạm dụng thuế quan” (abusing tariffs) và sử dụng các biện pháp đơn phương mang tính “bắt nạt” (unilateral bullying).
Trung Quốc cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia nghe theo Hoa Kỳ và cô lập nước ngày (Nguồn: The State Council of the People's Republic of China)
Như TAP News từng thông tin, trước đó, Trung Quốc đã phản ứng trước động thái áp thuế của Hoa Kỳ bằng cách áp mức thuế 125% đối với hàng nhập khẩu. Đồng thời, chính quyền đất nước tỷ dân cũng siết chặt xuất khẩu một số khoáng sản chiến lược bằng cách đưa nhiều công ty Washington, D.C – chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, vào danh sách hạn chế khả năng hợp tác. Mặc dù Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết, một thỏa thuận thương mại giữa đôi bên có thể sớm đạt được trong vòng 3 - 4 tuần tới, giới quan sát chính trị vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng này, đặc biệt khi căng thẳng tiếp tục leo thang cả về lời nói lẫn hành động.
Ở một diễn biến khác, truyền thông Hoa Kỳ (CNBC News) nói rằng, Chủ tịch nước Trung Quốc – ông Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến công du đầu tiên trong năm 2025 tới Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Trong các cuộc gặp với lãnh đạo các nước này, ông Tập kêu gọi hợp tác để phản đối chủ nghĩa đơn phương và các rào cản thuế quan, qua đó phát đi tín hiệu về việc Bắc Kinh tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước láng giềng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations, viết tắt: ASEAN). Cần biết rằng, kể từ khi ông Trump bắt đầu áp thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên, đất nước tỷ dân đã đẩy mạnh quan hệ thương mại với ASEAN – hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc theo khu vực châu lục. Tuy nhiên, Washington, D.C vẫn giữ vai trò đối tác thương mại lớn nhất với Bắc Kinh nếu xét trên từng cơ sở quốc gia riêng lẻ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Phnom Penh ngày 17/4 (Nguồn: The State Council of the People's Republic of China)
Phát biểu trước truyền thông cùng ngày (21/4), Viện trưởng Viện Kinh tế Cấu trúc Mới (Institute of New Structural Economics) tại Đại học Bắc Kinh (Peking University) – ông Justin Yifu Lin kêu gọi các quốc gia, đặc biệt ở khu vực châu Phi nên cùng nhau hợp tác để đối phó với các chính sách của Hoa Kỳ. Theo chuyên gia này, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng chính sách thuế quan của lãnh đạo Nhà Trắng là “vô lý và phi logic” (unreasonable and illogical) cũng như tin rằng điều đó không thể kéo dài mãi. Mặc dù không loại trừ khả năng 02 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tách rời, ông Lin vẫn hy vọng mối quan hệ giữa song phương sẽ được duy trì nhờ vào sự phụ thuộc lẫn nhau về nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh. Trong một diễn biến mới, Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Li Chenggang – người từng là đại sứ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, viết tắtL: WTO) làm Thứ trưởng Bộ Thương mại và trưởng đoàn đàm phán thương mại quốc tế. Đồng thời, Bắc Kinh đã đệ đơn kiện Hoa Kỳ lên WTO liên quan đến các biện pháp tăng thuế mới nhất từ chính quyền ông Trump.
Long Yuan