(TAP) – So với đồng euro và yên, ghi nhận đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong nhiều tuần qua. Truyền thông trong nước (Reuters) nói rằng, dữ liệu này phản ánh hoạt động kinh doanh của Washington, D.C đang tăng tốc vào tháng 3 cũng như có báo cáo cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ linh hoạt các chính sách áp thuế sắp tới.
Ghi nhận đồng USD đã tăng 0,82% trong ngày 24/3 so với tiền tệ Nhật (150,54 yên), trong khi euro giảm 0,09% xuống còn 1,0804 USD, nhưng có lúc trượt xuống 1,078 USD – mức thấp nhất kể từ ngày 7/3. Cũng theo Reuters, song song với sự tăng giá của đồng USD, tiền điện tử Bitcoin (BTC) cũng đạt 88.772 USD/BTC – mức cao nhất kể từ ngày 7/3.
Trong khi đó, Purchasing Managers' Index (PMI) – chỉ số kinh tế được sử dụng để đo mức độ hoạt động ở ngành sản xuất và dịch vụ của S&P Global (dữ liệu từ hơn 30 nền kinh tế tiên tiến và mới nổi trên toàn thế giới) cũng tăng lên 53,5 điểm trong tháng 3, so với mức 51,6 điểm của tháng trước. Tờ Reuters nói rằng, chỉ số trên 50 phản ánh sự mở rộng hoạt động kinh doanh của Hoa Kỳ trong khu vực tư nhân.
Đồng USD tăng giá lên mức cao nhất trong nhiều tuần qua so với yên Nhật và đồng tiền chung châu Âu (Nguồn: pexels)
Nhà phân tích tiền tệ tại ForexLive (thành phố Toronto, Canada) – ông Adam Button cho biết, ngành dịch vụ đóng góp vào sự gia tăng của PMI, trong khi sản xuất lại rơi vào tình trạng suy giảm sau 02 tháng tăng trưởng liên tiếp. Mặc dù vậy, chuyên gia này nhận định, mảng dịch vụ là thành phần quan trọng hơn nhiều của nền kinh tế Hoa Kỳ, do đó đây là tín hiệu đáng mừng.
Theo truyền thông trong nước, dữ liệu này dường như có liên quan đến tuyên bố cùng ngày (24/3) của ông Donald Trump, cho biết Hoa Kỳ có khả năng sẽ loại trừ một loạt thuế quan theo từng lĩnh vực trong khi áp dụng thuế quan tương hỗ (Reciprocal Tariff ) vào ngày 2/4 tới. Như TAP News đã thông tin, lãnh đạo Nhà Trắng cũng công bố mức thuế đối với ô tô, nhôm và dược phẩm trong tương lai gần, đồng thời thêm ngành công nghiệp gỗ và chất bán dẫn vào danh sách áp thuế.
Chiến lược gia thị trường trưởng tại Corpay – ông Karl Schamotta nhận định, một làn sóng lạc quan thận trọng vẫn đang lan rộng trên thị trường ngoại hối, với hy vọng mức thuế quan của Washington, D.C vào tuần tới sẽ không quá cực đoan. Mặc dù vậy, chuyên gia Corpay quan ngại, kế hoạch áp thuế của chính quyền ông Trump vẫn có khả năng dẫn đến hàng loạt trả đũa từ đối tác thương mại, làm tổn hại nền kinh tế, đồng thời gây ra nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ. Ông Karl Schamotta nhấn mạnh, mức độ biến động vẫn ở mức cao, trong khi một số nhà giao dịch khác được Reuters khảo sát lo ngại, thuế quan có thể làm tăng lạm phát và ảnh hưởng đến tăng trưởng trong thời gian tới.
Thị trường lạc quan về sự linh hoạt trong chính sách thuế quan theo tuyên bố mới của lãnh đạo Nhà Trắng, song quan ngại hành động trả đũa từ đối tác thương mại (Nguồn: Facebook “U.S. Department of Commerce”)
Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (Commodity Futures Trading Commission ) vào ngày 21/3 cho thấy, các nhà đầu cơ lần đầu tiên có thái độ bi quan về đồng tiền USD kể từ tháng 10 năm ngoái.
Kelvin Huynh