(TAP) - Liên quan đến vụ việc sản xuất, buôn bán gần 600 loại sữa giả có quy mô lớn tại Việt Nam do Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood và Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma thực hiện, ngày 22/4 (giờ Việt Nam), Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam công bố danh sách 84 sản phẩm sữa bị thu giữ.
Danh sách 84 sản phẩm sữa bị thu giữ của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood. Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam
Trong danh sách này có 12 sản phẩm được cơ quan chức năng Việt Nam giám định, kết luận là sữa giả, không đảm bảo chất lượng, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Danh sách bao gồm các loại thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ em và người có nhu cầu đặc biệt: Thực phẩm bổ sung COLOS IQ FOR MUM; Thực phẩm bổ sung COLOS IQ DIABETES; Thực phẩm bổ sung DARIFA A+ ProGold; Sản phẩm dinh dưỡng công thức KENMIL PREMIUM PEDIA GOAT; Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt SURE IQ SURE GOLD; Sản phẩm dinh dưỡng công thức Kodo A+ Starter Colostrum 1; Sản phẩm dinh dưỡng công thức L’’ GRAND COLOSTRUM PEDIA+2; Sản phẩm dinh dưỡng công thức Newsure Colos 24h Kid Plus; Sản phẩm dinh dưỡng công thức Kid Baby Talacmum; Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt Gludiabet Talacmum; Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt KASUMI CANXI NANO COLOS 24H; Sản phẩm dinh dưỡng KASUMI GAIN COLOS 24H 3.
Hình ảnh 12 sản phẩm được cơ quan chức năng Việt Nam giám định, kết luận là sữa giả được đăng tải trên các trang bán hàng tại Việt Nam, website Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood (hacofoodgroup), website Công ty Dược quốc tế Rance Pharma (duocquoctegroup)
Bên cạnh đó, 72 sản phẩm còn lại trong danh sách vẫn đang trong quá trình điều tra. Bộ Công an Việt Nam khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng những sản phẩm này cho đến khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Bộ Công an cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn thực phẩm một cách có trách nhiệm. Người tiêu dùng cần ưu tiên các sản phẩm sữa và dinh dưỡng đến từ thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, bao bì minh bạch, đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng và số lô. Đồng thời, người tiêu dùng không nên nhẹ dạ tin tưởng vào những lời quảng cáo thiếu kiểm chứng, đặc biệt từ người nổi tiếng hoặc các nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường như quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, người dân cần chủ động báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Vụ việc trên không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng vi phạm an toàn thực phẩm mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng trong một thị trường tiêu dùng ngày càng đa dạng nhưng cũng đầy rủi ro.
Jane Pham