(TAP) - Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, Bộ Tư pháp Việt Nam vừa công bố hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam với phạm vi sửa đổi lên tới 17/44 điều. Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo là đề xuất mở rộng đối tượng được trở lại quốc tịch Việt Nam và cho phép giữ song tịch trong những trường hợp nhất định.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam xây dựng theo ba định hướng trọng tâm. Thứ nhất, mở rộng phạm vi áp dụng đối với cá nhân từng mất quốc tịch, không phân biệt độ tuổi. Theo đó, điều khoản “Điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam” được bổ sung nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để xem xét các trường hợp này. Đáng chú ý, khoản 5 Điều 23 sửa đổi linh hoạt, cho phép người xin trở lại quốc tịch Việt Nam duy trì quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng hai điều kiện: Việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật quốc gia liên quan; không sử dụng quốc tịch nước ngoài gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Ảnh minh họa
Thứ hai, dự thảo đề xuất cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa quy trình, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân có nhu cầu trở lại quốc tịch. Thứ ba, tập trung rà soát và hoàn thiện hệ thống quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người mang quốc tịch Việt Nam trong bối cảnh có thêm quốc tịch nước ngoài. Để bảo đảm chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và sự trung thành của công dân đối với Nhà nước, dự thảo quy định rõ: công dân Việt Nam đồng thời mang quốc tịch nước ngoài phải từ bỏ quốc tịch thứ hai và có nơi thường trú tại Việt Nam nếu muốn thực hiện các quyền ứng cử, tham gia lực lượng vũ trang hoặc làm việc trong bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội. Trong trường hợp các văn bản pháp luật liên quan có quy định khác, Luật Quốc tịch Việt Nam (sau khi sửa đổi) sẽ là căn cứ pháp lý ưu tiên áp dụng. Bên cạnh đó, để đảm bảo yêu cầu về an ninh, Bộ Công an Việt Nam sẽ tiến hành xác minh nhân thân đối với mọi hồ sơ xin nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam được nộp tại cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.
Lý giải về những sửa đổi trên, cơ quan soạn thảo cho biết trước bối cảnh nhiều quốc gia cho phép công dân mang hai quốc tịch, ngày càng đông người Việt Nam từng thôi quốc tịch mong muốn trở lại quốc tịch Việt Nam. Đại diện các cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhiều lần kiến nghị nguyện vọng này tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, việc cho phép trở lại quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài là bước đi phù hợp xu thế hội nhập quốc tế, thể hiện rõ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc củng cố mối liên hệ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Thanh Ngọc. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Tư pháp Việt Nam
Tại buổi làm việc với Cục Hành chính tư pháp về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam vào chiều ngày 09/4 (giờ Việt Nam), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Thanh Ngọc nhận định: “Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, nhu cầu của kiều bào được trở về gắn bó với quê hương ngày càng lớn. Nhiều trường hợp dù mang dòng máu Việt nhưng do không có quốc tịch, họ không thể thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với đất nước. Việc sửa đổi Luật lần này là bước đi quan trọng để “cởi trói” về mặt pháp lý, mở ra cơ hội thu hút nguồn lực quý báu từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm tri thức, công nghệ, tài chính và nhân lực chất lượng cao…) đóng góp vào sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.”
Trang Thanh