(TAP) - Liên quan đến vụ việc sản xuất, buôn bán gần 600 loại sữa giả có quy mô lớn do Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood và Dược quốc tế Rance Pharma thực hiện, vào ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế Việt Nam) có thông tin chính thức.
Trước đó, vào ngày 12/4, lực lượng chức năng triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả với số lượng đặc biệt lớn, hoạt động tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng cầm đầu là Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà, cùng sáu bị can khác để điều tra về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ảnh minh họa
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021, nhóm đối tượng thành lập Công ty Rance Pharma (địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Hacofood Group (địa chỉ tại LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, Hà Đông) để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa bột giả. Đến nay, đường dây này đã sản xuất và lưu hành tới 573 nhãn hiệu sữa bột, chủ yếu nhắm đến các đối tượng dễ tổn thương như người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
Dù trên bao bì các sản phẩm ghi rõ thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó..., kết quả kiểm nghiệm cho thấy hoàn toàn không có các thành phần này. Các đối tượng đã sử dụng nguyên liệu rẻ tiền thay thế và bổ sung phụ gia nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Theo kết luận của cơ quan chức năng, hàm lượng một số chất trong các mẫu sữa kiểm tra chỉ đạt dưới 70% mức công bố – đủ cơ sở để xác định hàng giả.
Ảnh minh họa
Bình luận về vụ việc, Bộ Y tế Việt Nam cho biết việc công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, đa số các loại thực phẩm có thể tự công bố, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính. Tuy nhiên, có 4 nhóm thực phẩm đặc thù như: thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi... thì bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu hành. Khi tự công bố, doanh nghiệp phải cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý và chất lượng sản phẩm. Bộ Y tế nhấn mạnh chính sách trao quyền tự công bố là mô hình tiên tiến, tiệm cận với các nước phát triển. Nhưng nếu doanh nghiệp vi phạm thì sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý.
Để ngăn chặn tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng, Bộ Y tế xác định công tác hậu kiểm sau công bố sản phẩm là khâu trọng yếu. Hằng năm, Bộ xây dựng kế hoạch hậu kiểm toàn quốc, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai. Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành 03 văn bản chỉ đạo về hậu kiểm, đồng thời chỉ đạo các địa phương triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm. Yêu cầu các Sở Y tế, Sở ATTP TP.HCM… rà soát và báo cáo tình hình cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm và xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trong vụ việc liên quan đến hơn 600 loại sữa bột giả bị phát hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án. Bộ Y tế cho biết đang tích cực phối hợp, cung cấp hồ sơ chuyên môn phục vụ điều tra và xử lý đúng pháp luật, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Bộ cũng đang nghiên cứu, đề xuất siết chặt chế tài xử phạt, kể cả sửa đổi Bộ luật Hình sự, nhằm xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Trang Thanh