(TAP) - Vào tối ngày 23/4 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc điện đàm với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer. Đây là cuộc làm việc quan trọng để thảo luận về những vấn đề nguyên tắc, phạm vi và lộ trình đàm phán, tiến tới cuộc đàm phán chính thức về vấn đề kinh tế, thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
Toàn cảnh cuộc trao đổi. Nguồn: Cổng thông tin Bộ Công thương Việt Nam
Theo thông tin từ Cổng thông tin Bộ Công thương Việt Nam, tại cuộc trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại theo hướng cân bằng, ổn định, bền vững và hiệu quả. Ông nhấn mạnh các bộ, ngành Việt Nam sẵn sàng cùng phía Hoa Kỳ xử lý những vấn đề còn vướng mắc, tìm kiếm giải pháp hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Đáp lại, Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer đánh giá cao quyết tâm đàm phán của hai bên, bày tỏ tin tưởng quá trình đối thoại sớm đưa ra các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại ổn định, cùng có lợi. Kết thúc cuộc gọi, hai Trưởng đoàn thống nhất duy trì trao đổi thường xuyên ở cả cấp trưởng đoàn và kỹ thuật, đẩy nhanh thảo luận từng chủ đề cụ thể.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ Công thương Việt Nam
Trước đó, vào sáng ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về chuẩn bị đàm phán, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững với Hoa Kỳ. Theo thông tin từ Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận phản ứng linh hoạt, kịp thời của Việt Nam trước chính sách thuế quan đối ứng mà Hoa Kỳ công bố, đồng thời nhấn mạnh cách tiếp cận chủ động, bình tĩnh của Việt Nam được phía Hoa Kỳ đánh giá cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về chuẩn bị đàm phán. Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam
Cụ thể, trên nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Tổng Bí thư Việt Nam Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump; Phó Thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam được cử làm đặc phái viên cấp cao để trao đổi trực tiếp với Hoa Kỳ. Ngoài ra, nhiều cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với Đại sứ Hoa Kỳ, nghị sĩ, học giả, doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng diễn ra nhằm lắng nghe, giải quyết các quan tâm của Washington. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam chủ động ban hành nghị định cắt giảm một số dòng thuế, tháo gỡ vướng mắc tại các dự án Hoa Kỳ quan tâm và tăng mua các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh như máy bay, để góp phần cân bằng cán cân thương mại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Hoa Kỳ; quan hệ thương mại song phương từ trước tới nay mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng Hoa Kỳ và thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam. Do đó, Hà Nội sẵn sàng bước vào đàm phán theo các đề xuất từ Washington, trên tinh thần đôi bên cùng thắng.
Bảng so sánh tốc độ tăng trưởng, lạm phát, cán cân vãng lai và thất nghiệp của từng quốc gia châu Á giai đoạn 2024-2026 theo dự báo mới nhất của IMF (tháng 4 - 2025). Nguồn:IMF
Cuộc đàm phán sắp tới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu áp lực từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook – WEO) của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 22/4 cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang “hạ cánh” gấp gáp hơn dự kiến vì mức thuế kỷ lục của Hoa Kỳ cùng căng thẳng thương mại lan rộng. Dù vẫn giữ vị thế tích cực trong khu vực, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được IMF dự báo giảm xuống 5,2 % trong năm 2025 và 4 % vào năm 2026, thấp hơn đáng kể so với mức gần 7,1 % của năm 2024, trong khi Chính phủ đặt mục tiêu 8 %.
Vì thế, vòng thương lượng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trước mắt trở thành đòn bẩy quan trọng. Nếu hai bên đạt thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng thuế quan, bảo đảm quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam không chỉ củng cố động lực xuất khẩu chủ lực mà còn tạo “bộ giảm chấn” hấp thụ cú sốc thương mại toàn cầu. Việc này có thể góp phần thu hẹp khoảng cách tăng trưởng, đưa mục tiêu 8 % GDP vào tầm tay.
Viet Anh