(TAP) - Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, sáng ngày 03/4 (giờ Việt Nam), Thường trực Chính phủ Việt Nam triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành nhằm đánh giá tình hình, thảo luận các giải pháp ứng phó trước mắt cũng như dài hạn.
Theo thông tin từ Cổng Thông tin Chính phủ Việt Nam, tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng bối cảnh hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt, phức tạp, khó lường. Ông khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các giải pháp tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân để ứng phó những diễn biến mới. Việt Nam kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ có những chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước. Đồng thời, Việt Nam mong muốn những nỗ lực không ngừng của mình được ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh vẫn đang khắc phục những di chứng chiến tranh kéo dài.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính. Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành giữ vững bản lĩnh, chủ động xây dựng đối sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, vượt qua những khó khăn, cú sốc từ bên ngoài, tương tự cách Việt Nam từng ứng phó đại dịch, xung đột khu vực, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông chỉ đạo triển khai một số biện pháp tổng thể, hài hòa, cân bằng lợi ích giữa hai nước, hướng đến thúc đẩy quan hệ thương mại bền vững, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Nhằm đối phó với diễn biến mới, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu, đồng thời giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì việc lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh rằng đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định bản lĩnh, sức mạnh nội tại, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, đẩy mạnh số hóa, xanh hóa, ứng dụng khoa học công nghệ. Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Ngoài ra, việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực sản xuất trong nước cũng được đẩy mạnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên vẫn không thay đổi.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng tại Vườn Hồng Nhà Trắng. Nguồn: Ảnh cắt từ livestream đăng tải trên facbook “The White House”
Trước đó, vào ngày 02/4 (giờ địa phương), Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố quyết định áp thuế nhập khẩu cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ mọi quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Cụ thể, Trung Quốc bị áp thuế 34%, Liên minh châu Âu (EU) 20%, Hàn Quốc 25%, Nhật Bản 24%, Đài Loan 32%. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chịu mức thuế cao nhất 46%, Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17% và Singapore 10%.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), mức thuế đối ứng được tính toán dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm kim ngạch xuất nhập khẩu, biến động nhu cầu, giá cả, chính sách thương mại của từng quốc gia, mức thuế tiêu thụ nội địa và các yếu tố khác như thao túng tiền tệ. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho rằng việc mất cân đối thương mại đã làm chuyển hướng nhu cầu tiêu dùng của người Hoa Kỳ, khiến hơn 90.000 nhà máy Hoa Kỳ bị đóng cửa kể từ năm 1997.
Cuộc chiến thương mại đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới, đòi hỏi Việt Nam có những bước đi chủ động và chiến lược để bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương với Hoa Kỳ theo hướng cân bằng và bền vững.
Phương Vi